45 năm thành phố mang tên Bác

Tân Tiến (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 45 năm, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), TP Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, trở thành “đầu tàu kinh tế của cả nước”.

Chứng kiến TP nơi ghi dấu không ít những kỷ niệm chiến đấu, giành một ngày toàn thắng, thống nhất Bắc - Nam, đại tá Nguyễn Văn Mậu - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh quận 6 không khỏi bồi hồi về những phát triển vượt bậc của TP Hồ Chí Minh.
Đầu tàu kinh tế của cả nước
Cùng với đồng đội từng vào sinh ra tử, đại tá Nguyễn Văn Mậu không thể nào quên thời khắc hân hoan trong những ngày tháng 4/1975, TP rợp cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng. Nhưng sau ngày giải phóng, TP Hồ Chí Mình cũng như cả nước gặp muôn vàn khó khăn, hàng hóa khan hiếm.
Nhân dân TP lúc đó khoảng trên 3 triệu người bị thiếu ăn, thiếu mặc, lạm phát tăng cao… do ảnh hưởng của cuộc chiến. Bên cạnh đó là cơ chế quan liêu, bao cấp; nạn ngăn sông, cấm chợ càng “trói buộc” người dân, dẫn đến kinh tế trì trệ trong phát triển.
 Tòa nhà The Landmark 81 thêm một biểu tượng mới của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Triều
Tuy nhiên, với đường lối đổi mới của Đảng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), TP Hồ Chí Minh với nỗ lực vươn lên, đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội của đường lối đổi mới, đẩy mạnh phát triển sản xuất và đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, trở thành “đầu tàu kinh tế của cả nước”. Mặc dù chỉ chiếm 0,63% diện tích và gần 9% dân số so với cả nước, nhưng qua 45 năm phát triển, TP luôn tăng trưởng với tốc độ năm sau cao hơn năm trước.
Giai đoạn 1976 - 1985, mức tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2,7%/năm. Nhưng sau năm 1986 cho đến nay tăng trưởng kinh tế của TP luôn duy trì ở mức 10% - 13%/năm, cao hơn cả nước. Hiện tại TP có hơn 415.000 DN, là một trong những địa phương dẫn đầu về cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay có hơn 9.300 dự án với tổng vốn hơn 47,44 tỷ USD.
Trước năm 1986, TP Hồ Chí Minh không có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất. Nhưng hiện nay, có 3 khu chế xuất và 13 khu công nghiệp. Đặc biệt, công viên phầm mềm Quang Trung và khu công nghệ cao của TP có những tập đoàn lớn như Intel, SamSung, Nidec, Jabil… đầu tư. Mỗi năm, TP đóng góp khoảng 23% GDP đất nước và trên dưới 30% tổng thu ngân sách quốc gia, bình quân thu nhập đầu người ước tính trên 5.500 USD/người/năm, trong khi những năm 1976 - 1985 chỉ khoảng 360 - 400 USD/người/năm. Và hiện nay, TP Hồ Chí Minh nộp ngân sách nhiều nhất nước.
Đầm lầy, đất phèn xưa thành những khu đô thị sầm uất
"Nhiều vùng ngoại thành rộng lớn của TP nơi tôi và nhiều đồng đội từng tham gia những trận đánh lớn hơn 45 năm trước vẫn còn là đầm lầy như ở huyện Nhà Bè; đất phèn, hoang hóa ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Thủ Đức. Nhưng hôm nay những vùng đất đó trở thành những khu đô thị (KĐT) hiện đại, văn minh, sầm uất, như: KĐT Phú Mỹ Hưng, KĐT Tây Bắc, KĐT mới Thủ Thiêm...
Tuyến đường sắt trên cao số 1 Bến Thành - Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đang được xây dựng tại TP Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào năm 2021. Tuyến này đi ngầm dài 2,6km qua 3 ga và đi trên cao 17,1km qua 11 ga với tổng chiều dài là 19,7km. Ảnh: Hoàng Triều
Cùng với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, hệ thống hạ tầng đô thị của TP cũng phát triển rộng khắp. Nhiều tuyến đường giao thông kết nối phía Đông và Tây của TP với các tỉnh miền Tây, miền Đông gần lại: Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Hiện nay tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đang được khẩn trương xây dựng. Những KĐT và những tuyến giao thông này, trước và nhiều năm sau giải phóng khó có thể hình dung về sự thay đổi vượt bậc như hôm nay” - đại tá Nguyễn Văn Mậu bồi hồi chia sẻ.
Ngoài đô thị, hạ tầng giao thông phát triển, các lĩnh vực khác trong đời sống như giáo dục, y tế, an sinh xã hội tại TP Hồ Chí Minh cũng phát triển và là địa phương đi đầu của cả nước. “Hiện TP có gần 1.500 trường học với cơ sở khang trang, hơn 1,3 triệu học sinh, có hơn 65.000 cán bộ, giáo viên; có hệ thống giáo dục và đào tạo bậc cao đẳng, đại học, sau đại học chiếm 95% của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Về công tác chăm lo sức khỏe cho người dân, hiện nay TP có trên 105 bệnh viện các loại, với hơn 34.000 giường bệnh, đạt 15 bác sĩ/10.000 dân, 43 giường/10.000 dân, 322 xã - phường - thị trấn đều có trạm y tế. Đặc biệt hiện nay, TP hoàn toàn không còn hộ nghèo”.

Đại tá Nguyễn Văn Mậu (SN 1952, quê Nghệ An), trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng tham gia trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến năm 1977 - 1978, ông lại tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary.

“Từ trong cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu, trở về với cuộc sống đời thường, được sống trong đất nước độc lập, tự do và phát triển, lại là công dân của TP văn minh, hiện đại, sáng tạo. Cựu chiến binh chúng tôi rất thấm thía và cảm nhận được giá trị của hòa bình”- Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Mậu chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần