4G/5G mở ra cơ hội “khủng” cho doanh nghiệp Việt Nam

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tiếp theo 4G, 5G sẽ là trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là cơ hội cho các DN Việt Nam”. Đây là nhận định của ông Jim Cathey - Phó Chủ tịch cấp cao và Chủ tịch Qualcomm Technologies khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ tại Hội thảo Quốc tế 4G/5G 2018 diễn ra ngày 6/4 tại Hà Nội.

Đại diện Qualcomm đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng internet, mobile mạnh mẽ trong thời gian qua. Chỉ trong vòng 18 tháng triển khai chính thức, kết nối 4G LTE đã đạt độ phủ 95% dân số Việt Nam.
 
Năm 2017, các nhà mạng lớn đã đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ viễn thông 4G, trong tương lai gần là dịch vụ 5G. Theo một kết quả khảo sát đã được công bố, tỷ lệ phủ sóng 4G tại Việt Nam lên đến 71,26% diện tích lãnh thổ. Về tốc độ mạng cũng đã có nhiều cải thiện đáng kể, đạt mức 21,49 Mbps, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore. Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, trong năm 2017, tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống của mạng 4G tại Việt Nam là 35 – 37 Mbit/s (cao gấp 3,5 đến 4,5 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện tại); góp phần nâng tổng dung lượng internet di động đi quốc tế đạt 5,4Gb/s, (tăng 1,5 lần so với năm 2016).

Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng thị trường 4G tại Việt Nam còn rất lớn, thể hiện qua một vài số liệu thống kê như có tới 76,4 triệu thuê bao 2G hoặc 41,5 triệu thuê bao 3G có thể chuyển đổi thành thuê bao 4G… Sự phát triển của công nghệ 4G/5G sẽ đặt ra những yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao. Chính vì vậy, các DN viễn thông và CNTT cần có bước chuyển mình phù hợp, đồng thời có những phương án đầu tư mang tính chiến lược để nắm lấy cơ hội và tận dụng ưu thế về công nghệ, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tạo đà đột phá cho cả hệ sinh thái của nền kinh tế số phát triển. “Bộ TT&TT sẽ luôn luôn đồng hành cùng các tổ chức, DN trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong việc phát triến và ứng dụng các dịch vụ, công nghệ tiên tiến vì sự phát triến chung của ngành, của các DN cũng như cả nền kinh tế, lợi ích quốc gia” - Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết.

Việt Nam đang được xem là một trung tâm rất lớn về sản xuất công nghệ, sự hiện diện của các nhà máy Samsung là ví dụ điển hình. Tuy nhiên trong khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối, tổ chức kết nối với các đối tác thế giới, các đối tác Việt Nam còn phụ thuộc nước ngoài rất lớn. Theo ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, Qualcomm đã có kế hoạch hỗ trợ cho các công ty Việt Nam tham gia vào việc thiết kế, sản xuất các thiết bị, xuất khẩu ra thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần