5 giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tại hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” năm 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào chiều 5/10.

Dư nợ DNNVV chiếm 22%
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hiện nay tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế là 5,5 triệu tỷ đồng, trong đó DNNVV là 1,1 triệu tỷ chiếm 22%. Tuy vậy đây là số liệu tính trên 600 nghìn DNNVV thành lập trên lý thuyết, nếu tính trên số thực tế hoạt động khoảng 442 nghìn DN thì con số dự nợ lớn hơn. Ông Tú kì vọng, sau khi có Luật DNNVV, thực hiện cơ chế chính sách thì năm sau sẽ tăng cao hơn.
Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” 
Phó Thống đốc NHNN cho biết, giải pháp tín dụng cho DNNVV không phải chủ đề mới nhưng cũng không bao giờ cũ bởi thực tế hiện nay phía DN phàn nàn kêu khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi ngân hàng thương mại kêu khó mở rộng tín dụng cho DNNVV. Điều này đã giải quyết được một cách rất tích cực qua các cơ chế của nhà nước như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ. Đặc biệt, giới DNNVV ai cũng thừa nhận sự quyết liệt từ Chính phủ, đặc biệt khi Quốc hội vừa ban hành Luật dành riêng cho DNNVV.
Tham dự hội thảo, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia cho biết: “Khảo sát cho thấy, lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, các sáng kiến, các gói tín dụng của các Ngân hàng Thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5% - 1,5%. Nhiều DNNVV còn được vay tín chấp tại các NHTM, điều mà trước đây rất hiếm thấy, ngoại trừ đối với DNNN. Và, có thể thấy từ vài năm gần đây, đặc biệt là từ khi triển khai Thông tư 39 của NHNN, quan hệ tín dụng giữa NH và DN, đặc biệt là DNNVV đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi hơn và hiệu quả hơn”.
Thêm nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV
TS Cấn Văn Lực chia sẻ, có 6 nguồn vốn mà DNVVN có thể tiếp cận được: Ngân sách Nhà nước (trợ cấp, bảo lãnh, bảo hiểm, ưu đãi, giảm thuế…); Nguồn vốn nước ngoài; Huy động từ thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu); Đối tác (trả chậm, tín dụng thương mại…); Nguồn vốn tín dụng, bảo lãnh, chiết khấu, thuê tài chính; Vốn tự có, vốn góp.
Tuy vậy ông Lực cũng chỉ ra 8 nguyên nhấn khiến tín dụng DNNVV còn chưa cao. Một là, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thời gian qua. Hai là, nguồn lực ngân sách Nhà nước rất hạn chế; một số chương trình, gói hỗ trợ chưa phát huy. Ba là, thiếu thông tin/tổ chức cung cấp thông tin về DNNVV; và qui định minh bạch hóa thông tin đối với DNNVV. Bốn là, bảo lãnh DNNVV vay vốn chưa được đẩy mạnh. Năm là, nợ xấu cần có thời gian để xử lý triệt để và nhanh hơn (sau Nghị quyết 42 của Quốc hội) chưa xử lý dứt điểm. Sáu là, thiếu các dịch vụ hỗ trợ DN: đào tạo, tư vấn, thông tin… (Quỹ hỗ trợ DNNVV đã đi vào hoạt động nhưng chưa làm được nhiều). Bảy là, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư, tài chính vi mô) còn nhỏ bé, chưa phát triển. Tám là, môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng còn phức tạp, chi phí không chính thức còn cao.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, Chính phủ và NHNN luôn xác định phát triển DNNVV là động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân và DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng. Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV trong thời gian tới, ngành ngân hàng tập trung vào 5 giải pháp chủ yếu:
Thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có các DNNVV; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, Quỹ phát triển DNNVV, xây dựng và hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật để bảo đảm sự đồng bộ ngay sau khi Luật có hiệu lực.
Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng. Thứ tư, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD và DN; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trên tất các các lĩnh vực khác nhau để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Cuối cùng, NHNN khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới như: các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.