5 năm tái cơ cấu, nông nghiệp tăng trưởng bình quân 2,55%/năm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Trong 5 năm qua, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thống nhất quan điểm chỉ đạo từ T.Ư đến các địa phương. Hệ thống thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp tục đổi mới, phù hợp và hiệu quả hơn. Chỉ trong 5 năm, đã có 7 dự thảo luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp được Quốc hội thông qua. Bộ NN&PTNT cũng đã rà soát, đơn giản hoá 241 thủ tục hành chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Những cơ chế, chính sách đã tạo sự chuyển biến lớn về cơ cấu sản xuất, kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở khu vực nông thôn. Giá trị gia tăng các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản trong 5 năm đạt mức cao, lần lượt là 7,8%, 4,0% và 4,3%. Tựu trung trong 5 năm, ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 2,55%/năm. Nông lâm thủy sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm (từ 2013 – 2017) đạt 157,5 tỷ USD, tăng 51,2% so với 5 năm trước. Dự kiến năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Đặc biệt, có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trở lên. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

Sản xuất nông nghiệp giúp tăng thu nhập bình quân của người nông dân lên mức 36 triệu đồng/năm, cao hơn 10 triệu đồng so với trước khi thực hiện tái cơ cấu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,1% đầu năm 2013 còn khoảng 7%. Thành tựu tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 Toàn cảnh Hội nghị.

Đánh giá về kết quả 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng cho rằng, điểm nổi bật là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương, sự nỗ lực của các nhà khoa học, bà con nông dân và cộng đồng các doanh nghiệp. Dù đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, tuy nhiên, bước vào giai đoạn mới, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Xu hướng biến động thị trường, các rào cản kỹ thuật xuất nhập khẩu. Trong khi, sản xuất trong nước nhìn chung vẫn nhỏ lẻ, mạnh mún, chưa thích ứng với nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn tới vẫn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện được quá trình đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực này, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi người nông dân tiếp tục chủ động, tích cực, các doanh nghiệp không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Các bộ, ban, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền. Hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh.