5 năm tới, 60% người dùng Việt sử dụng mạng xã hội nội địa

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo mục tiêu của Bộ TT&TT đến năm 2025 sẽ có 60% người Việt sử dụng mạng xã hội của doanh nghiệp trong nước và 40% người Việt sử dụng công cụ tìm kiếm trong nước.

 Lotus là một trong những mạng xã hội của Việt Nam. Ảnh minh họa
Bộ TT&TT vừa nêu ra nhiều mục tiêu trong dự thảo "Phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đang được Bộ đưa ra lấy ý kiến đóng góp.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, đối với công nghiệp nội dung số, Bộ TT-TT đặt ra sẽ có 60% người Việt Nam sử dụng mạng xã hội của doanh nghiệp trong nước, giảm dần phụ thuộc vào mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, 40% người Việt Nam sử dụng công cụ tìm kiếm trong nước.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông hằng năm bằng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước; duy trì vị trí dẫn đầu các ngành có giá trị hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Mục tiêu sẽ có 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, trong đó 10 doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế với quy mô trên 1 tỷ USD; phát triển năng lực công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông tại địa phương: 10 địa phương đạt doanh thu trên 1 tỷ USD.
Đối với công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, mục tiêu doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, cung cấp được 90% các loại sản phẩm, giải pháp phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin.
Dự thảo cũng đặt mục tiêu doanh nghiệp trong nước làm chủ được công nghệ, sản xuất được các thiết bị mạng 5G; thiết bị đầu cuối 5G, thiết bị mạng băng rộng, điện thoại thông minh, thiết bị IoT, camera thông minh phục vụ đề án đô thị thông minh, giao thông thông minh được tích hợp các nền tảng ứng dụng và nền tảng nội dung số Việt Nam...
Tầm nhìn đến năm 2030 là sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có khả năng nghiên cứu, chế tạo và cung cấp sản phẩm, thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông dựa trên công nghệ 4.0 hàng đầu trong khu vực; có 100.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.