500 triệu USD của Formosa được chi trả ra sao?

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản hoặc thanh toán bằng tiền mặt, có ký nhận của người được bồi thường.

Bộ Tài chính vừa có công văn hướng dẫn UBND 4 tỉnh miền Trung việc quản lý, sử dụng, báo cáo và quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển theo Quyết định số 1880 ngày 29/9 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được sử dụng từ khoản tiền Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường, trị giá 500 triệu USD.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Zing.vn)
Trên cơ sở báo cáo của UBND cấp xã về đối tượng và thiệt hại đã được kiểm tra, thẩm định, UBND cấp huyện thực hiện thẩm định, phê duyệt đối tượng và kinh phí bồi thường thiệt hại với danh sách chi tiết kèm theo, đồng thời tổng hợp gửi UBND tỉnh.
Sau đó, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chủ trì và có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát, thẩm định, tổng hợp đối tượng và kinh phí bồi thường thiệt hại trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ kinh phí bồi thường thiệt hại về sự cố môi trường biển cho từng địa phương để triển khai thực hiện.
Trong khi chờ địa phương báo cáo, Bộ Tài chính trình Thủ tướng tạm cấp kinh phí cho các địa phương để thực hiện chi trả.
Về quy trình tiếp nhận bồi thường, Kho bạc Nhà nước sẽ hướng dẫn chi tiết Kho bạc Nhà nước các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tổ chức thực hiện.
Việc chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại cho người dân được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản trong trường hợp cá nhân có tài khoản, hoặc thanh toán bằng tiền mặt. "Khi thanh toán chi trả phải lập bảng kê có ký nhận của đối tượng được nhận tiền", văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính nêu rõ.
Riêng đối với 3 đối tượng: Khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên, nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối, thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.
UBND các tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn các chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối thống kê danh sách như lao động làm thuê trên tàu, trong cơ sở sản xuất và mức bồi thường đối với mỗi lao động cho phù hợp, đảm bảo đồng thuận, có xác nhận của từng người lao động. Trên cơ sở đó thực hiện cấp 100% số tiền bồi thường thiệt hại cho chủ tàu, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối để cấp cho từng người lao động theo danh sách đã thống kê.
Bộ Tài chính lưu ý, UBND các cấp phải "tổ chức triển khai việc chi trả kinh phí bồi thường đảm bảo việc chi trả trực tiếp đến người dân bị thiệt hại, kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực".
UBND các xã có trách nhiệm công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố và niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn: Công khai danh sách đối tượng được bồi thường, công khai thiệt hại và kinh phí bồi thường thiệt hại cho từng đối tượng sau khi UBND cấp xã nhận được Quyết định phê duyệt của UBND cấp huyện.
Thời gian công khai trước khi thực hiện chi trả bồi thường là từ 3-5 ngày. Tuy nhiên sau đó, các địa phương còn phải công khai kết quả chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho các đối tượng trong thời gian ít nhất là 30 ngày.
Quy định này nhằm đảm bảo việc chi trả trực tiếp đến người dân bị thiệt hại, kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần