53 năm thảm sát Sơn Mỹ: Lời nguyện cầu từ cựu binh Mỹ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Chào các bạn, tôi lại không về thăm Sơn Mỹ được, nhưng tôi luôn nguyện cầu cho các bạn. Mãi không quên, 16/3/2021, Billy Kelly".

Mãi không quên!
Sáng 16/3, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ tưởng niệm 53 năm ngày xảy ra thảm sát Sơn Mỹ.
 Hình ảnh tại lễ tưởng niệm.
Ngày này, cách đây 53 năm (16/3/1968 - 16/3/2021), tại khu vực thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, một trung đội lính Mỹ đổ quân bất ngờ và bắn xối xả thảm sát. 504 thường dân vô tội bị sát hại dã man.
Vụ thảm sát Sơn Mỹ (hay còn gọi là Mỹ Lai) đã gây chấn động dư luận thế giới về tội ác mà quân đội Mỹ gây ra cho Nhân dân Việt Nam và đã tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trên đất Mỹ và trên thế giới.
Một người dân Sơn Mỹ bật khóc trong ngày tưởng niệm.
53 năm qua, đồng bào Sơn Mỹ và nhân dân Việt Nam đã nén nỗi đau thương tột cùng để có thể đứng vững, đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
Lễ tưởng niệm là dịp mọi người bày tỏ tình cảm yêu thương, cùng thắp nén nhang tưởng nhớ đồng bào bị thảm sát. Đồng thời, gửi đi thông điệp mong muốn không còn chiến tranh và những hậu quả đau thương như Sơn Mỹ năm xưa, để mọi người được sống trong yên vui, hạnh phúc.
 Tấm bưu thiếp của Cựu binh Billy Kelly.
Năm nay, dù không thể đến dự lễ nhưng cựu binh Billy Kelly đã gửi 504 bông hoa hồng dâng lên 504 thường dân Sơn Mỹ bị sát hại kèm tấm bưu thiếp: “Chào các bạn, tôi lại không về thăm Sơn Mỹ được, nhưng tôi luôn nguyện cầu cho các bạn. Mãi không quên, 16/3/2021, Billy Kelly".
Billy Kelly là cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Suốt nhiều năm qua, cứ đến tháng 3, cựu binh Mỹ Billy Kelly lại mang 504 bông hồng kèm theo tấm thiệp chia sẻ đau thương đến khu chứng tích Sơn Mỹ nguyện cầu cho linh hồn nạn nhân bị thảm sát được siêu thoát. Ông cầu nguyện thế giới không còn cảnh chiến tranh, mọi người cùng chung tay xây dựng vì cuộc sống hòa bình.
Vết thương rồi sẽ lành
Vượt lên đau thương mất mát, nhân dân Sơn Mỹ đã lập nên nhiều kỳ tích trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và tái thiết quê hương. Xã Tịnh Khê 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Và giờ đây người dân đang nỗ lực giảm nghèo vươn lên làm giàu, dựng xây quê hương giàu đẹp.
 Một góc xã Tịnh Khê.
Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Võ Minh Chính tự hào: "Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,3%. Thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm. Xã Tịnh Khê đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng xã thành phường".
Xã Tịnh Khê đang tận dụng lợi thế để phát triển dịch vụ du lịch. Vùng đất này không chỉ là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, mà còn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như: Cổ Lũy cô thôn, bãi biển Mỹ Khê, dòng sông Kinh hiền hòa, rừng dừa nước xanh mượt... Nhờ những thế mạnh này mà Tịnh Khê đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Nhờ đó, người dân có điều kiện mở các dịch vụ buôn bán nhỏ, góp phần tăng thu nhập. 
“Xã Tịnh Khê còn có khu du lịch tâm linh Thiên Mã và nhiều điểm di tích lịch sử. Cầu Cổ Lũy hoàn thành cùng với tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa... không chỉ tạo điều kiện cho vùng đất này phát triển du lịch, mà còn giúp xã nhanh chóng đạt các tiêu chí của đô thị loại V và lên phường”, ông Võ Minh Chính bày tỏ.
Cụ Phạm Thị Thuận (80 tuổi, thôn Tư Cung), một trong những nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát Sơn Mỹ bày tỏ: “Vết thương nào rồi cũng sẽ lành. Giờ thấy cuộc sống yên bình, tôi mừng lắm! Thôi thì gác lại quá khứ để hướng tới tương lai”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần