54 chủ đầu tư và dự án nhận Giải thưởng Quốc gia BĐS Việt Nam 2018

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 14/4, tại Hà Nội, Lễ trao Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 đã tôn vinh 54 chủ đầu tư và dự án bất động sản.

Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 có 8 hạng mục: Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất, khu đô thị tốt nhất, dự án bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất, tòa nhà văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại tốt nhất, dự án khu nhà ở đáng sống nhất, dự án công trình xanh tốt nhất, sàn giao dịch bất động sản xuất sắc nhất và dự án nhà ở xã hội tốt nhất.
Trong đó, hạng mục nhà phát triển đầu tư bất động sản uy tín nhất là giải thưởng uy tín nhất được trao cho 11 doanh nghiệp, bao gồm: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng, Tập đoàn Novaland, Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền, Tập đoàn CEO, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Khang, Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn GELEXIMCO), Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn phát triển Phú Mỹ Hưng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao giải thưởng cho các đơn vị, cá nhân đoạt giải hạng mục Nhà ở xã hội tốt nhất.
Sau 4 tháng phát động, Ban tổ chức Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 đã nhận được hàng trăm hồ sơ tham dự giải của nhiều doanh nghiệp. Thông qua một hệ thống tiêu chí xét giải khắt khe với quy trình từ thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế tại các dự án, bỏ phiếu kín, kiểm toán và “hiệp y” với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương… Hội đồng Giám khảo đã chọn ra 54 đơn vị và dự án để tôn vinh.
Phát biểu tại “Lễ trao giải Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam năm 2018” tối 14/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp BĐS cần tiếp tục phát triển thị trường BĐS một cách hài hoà, trong đó dành ưu tiên đặc biệt đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhằm thực hiện quyền có chỗ ở của người dân đã được khẳng định trong Hiến pháp.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Bất động sản liên quan trực tiếp tới việc tạo lập cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của người dân; liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gắn liền với việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai… Đối với mỗi hộ gia đình, bất động sản nhà ở cũng là tài sản lớn, gắn liền với các hoạt động kinh tế và đời sống.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác quản lý, phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh, phù hợp với các quy luật của thị trường.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý lành mạnh thị trường bất động sản như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng…

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao giải cho các doanh nghiệp ở hạng mục "Khu Nhà ở đáng sống"

Thời gian qua, công tác quản lý, phát triển thị trường bất động sản cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2017 đã tiếp tục tăng trưởng một cách ổn định, tích cực. Giá bất động sản tăng nhẹ so với năm 2016; thanh khoản thị trường ở mức cao, tồn kho giảm; cơ cấu hàng hoá bất động sản đã bước đầu được điều chỉnh hợp lý hơn, hướng tới nhu cầu thực của thị trường; vốn đầu tư vào BĐS tăng mạnh, đáng chú ý là các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Cùng với đó, các cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội đã thu được kết quả đặc biệt quan trọng. Hơn 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp đã được đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động.

Sự phát triển của thị trường BĐS đã tạo ra những đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế; góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Đồng thời, thị trường BĐS cũng góp phần tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của các thị trường tài chính, chứng khoán, lao động, dịch vụ và nhiều ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng…

 Các đơn vị, cá nhân đoạt giải hạng mục Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất.

“Để có được những kết quả quan trọng nêu trên, tôi ghi nhận và đánh giá cao vai trò tích cực, chủ động vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát huy trách nhiệm xã hội, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, góp phần phát triển thị trường BĐS một cách lành mạnh”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực BĐS và thị trường BĐS. Sửa đổi, bổ sung các Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị… để có đủ hành lang pháp lý nhằm tạo mội trường thuận lợi cho đầu tư phát triển BĐS.

“Phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, đất đai… để từ đó đưa ra lộ trình triển khai thực hiện đầu tư một cách khoa học, gắn với tái cấu trúc lĩnh vực bất động sản và thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng phát triển bất động sản một cách tự phát, phong trào, không theo quy luật thị trường”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu gắn việc tái cấu trúc lĩnh vực bất động sản và phát triển thị trường bất động sản với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp… nhằm hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có chỗ ở an toàn, chất lượng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần