6 tháng sau Vụ cháy chợ tại huyện Sóc Sơn: Loay hoay tìm giải pháp căn cơ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 6 tháng kể từ sau vụ cháy chợ tại huyện Sóc Sơn, việc ổn định buôn bán, kinh doanh cho các hộ tiểu thương vẫn chưa thể hoàn tất.

Các hộ không hợp tác, trong khi chính quyền địa phương loay hoay tìm kiếm giải pháp phù hợp.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi khu chợ chính bị cháy, huyện Sóc Sơn đã bố trí các nguồn lực, đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng chợ tạm rộng 5.807m2, bảo đảm đáp ứng nhu cầu buôn bán, kinh doanh cho toàn bộ 196 hộ tiểu thương bị ảnh hưởng từ sau vụ cháy hồi cuối tháng 6/2018. Nói là tạm, nhưng khu chợ được thiết kế xây dựng đạt tiêu chuẩn chợ nông thôn với đầy đủ hạng mục cần thiết như sạp hàng, khu kỹ thuật, nhà vệ sinh, khu vực trông giữ xe…

Tuy nhiên, kể từ khi hoàn thành cách đây hơn một tháng, sau rất nhiều cuộc vận động, tuyên truyền, mới chỉ có… 3 hộ vào buôn bán, kinh doanh tại chợ tạm. Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn Trần Văn Hùng, giai đoạn trước, đã có 49 hộ đồng ý vào buôn bán, kinh doanh trong chợ tạm. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay, các hộ này không vào chợ tạm như dự định ban đầu?

Trong khi đó, khu vực nền chợ cũ bị cháy hiện bị các hộ tiểu thương “chiếm đóng”, dựng ki-ốt buôn bán gần hai tháng nay. Các hộ buôn bán, kinh doanh trong không gian lộn xộn, lụp xụp và tối tăm, do trước đó, Công ty Điện lực huyện Sóc Sơn đã cắt điện toàn khu. Việc các hộ tiểu thương buôn bán, kinh doanh trên nền chợ cũ là hết sức nguy hiểm, bởi với hạ tầng hiện có, nguy cơ mất an toàn phòng, chống cháy nổ sẽ rất cao.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, địa phương đã lên kế hoạch lập hàng rào xung quanh khu vực nền chợ cũ bị cháy và cưỡng chế các hộ buôn bán, kinh doanh trái phép. Tuy nhiên, phản ứng của các hộ tiểu thương rất gay gắt, nếu quyết liệt thực hiện sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Kể từ khi vụ cháy xảy ra, huyện Sóc Sơn đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện với các hộ tiểu thương. Được biết, tại cuộc đối thoại gần nhất vào trung tuần tháng 12/2018, các hộ đã đưa ra đề xuất được buôn bán, kinh doanh tại vị trí nền chợ cũ bị cháy tới hết tháng 1/2019, tức là thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Sau Tết, các hộ sẽ chuyển sang chợ tạm mới xây dựng và bàn giao lại mặt bằng để huyện triển khai công tác đầu tư chợ mới.

Liên quan tới mong muốn trên của các hộ tiểu thương, ông Hoàng Chí Dũng cho biết: Để ổn định trật tự xã hội dịp cuối năm, tinh thần chung của lãnh đạo địa phương là đồng tình với đề xuất, nhưng trên cơ sở yêu cầu các hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy, chữa cháy. “Huyện cũng sẽ bố trí các lực lượng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ tại khu chợ từ nay cho tới Tết Nguyên đán 2019...” – ông Dũng thông tin thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần