6 tháng triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng: Vẫn còn cảnh “nhức mắt” chốn tôn nghiêm

Hương Giang - Phong Linh - Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng sau khi ban hành bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, ở những nơi linh thiêng thờ tự đã có những đổi thay.

Tuy nhiên, địa điểm nào đặt biển (QTƯX) thì du khách đến lễ bái văn minh, lịch sự, nhưng vẫn còn đó những nơi làm ngơ với việc phổ biến quy tắc khiến tình trạng lộn xộn, thiếu trang nghiêm chốn linh thiêng khó bề kiểm soát.
Đi nhẹ, nói khẽ để thành tâm

Nằm trong khuôn viên Công viên Thủ Lệ, đền Voi Phục - một trong tứ trấn Thăng Long, nơi có nhiều du khách thập phương qua vãn cảnh và lễ bái đã rất chú trọng nhắc nhở văn hóa lễ chùa cho du khách. Tấm biển QTƯX nơi công cộng hướng dẫn những điều nên và không nên làm khi đến đền, chùa, nơi thờ tự, được đặt trang trọng ngay cổng đền. Thông thường, khách đến đền phải gửi xe máy từ ngoài cổng, mà lối đi từ cổng vào đền khá dài nên khách càng có thời gian để chỉnh sửa trang phục trước khi vào làm lễ và ngắm cảnh. Tấm biển đặt ngoài trời được làm bằng chất liệu chống gỉ, bền đẹp, chữ in rõ nét càng thể hiện sự nghiêm cẩn của nhà đền, và du khách cũng sẽ cảm nhận rõ điều đó.

Phóng viên trong vai người vãn cảnh chùa đã quan sát, một nhiếp ảnh gia đang thực hiện một bộ ảnh với người mẫu nữ. Cô gái mặc áo dài nền nã, biểu cảm sang trọng, tạo dáng rất chừng mực thể hiện sự tôn trọng nơi trang nghiêm. Trong đền, từng ban thờ ngan ngát hương thơm, khách đến lễ tuân thủ quy định không châm hương thêm vì nhà đền đã thắp sẵn hương vòng.

Khách nước ngoài mượn trang phục tại đền Ngọc Sơn. Ảnh:  Thanh Hải

Đền Ngọc Sơn tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô là nơi đi đầu triển khai lắp biển phổ biến bộ QTƯX và may áo choàng cho du khách trót mặc váy ngắn, quần cộc vào di tích. Gần 5 tháng thực hiện, địa điểm di sản này đã trở về đúng với không khí trang nghiêm, lễ bái của người Việt. Mùa Thu - mùa cao điểm của du lịch Hà Nội nhưng không có tình trạng lộn xộn, không có những khách ăn mặc “hớ hênh” vào tham quan. Ông Nguyễn Đức Vượng - Trưởng phòng quản lý di tích đền Ngọc Sơn cho biết: “Tấm biển nho nhỏ, chứa đựng hơn 10 điều quy định ngắn gọn đã có tác dụng nhắc nhở phong thái du khách dù là người Việt hay người nước ngoài khi bước vào nơi tâm linh”. Rõ ràng, việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi QTƯX đã đem lại những hiệu quả đáng kể, được thể hiện rõ trên thái độ, hành xử của người dân tại nơi công cộng, mà cụ thể là tại đền chùa, nơi cần được tôn trọng và trang nghiêm.

Hớ hênh nhưng không ai nhắc

Ngược lại, tại đình Kim Liên, nơi cả người trông coi đình và ngôi đình đều chưa được triển khai, cắm biển QTƯX thì tồn tại những điều "chướng tai gai mắt”. Trong không khí vắng lặng, trang nghiêm của đền, ngày mùng 1/9 (tức 20/9/2017) - ngày hành lễ nhưng ai nấy đều vội vã với công việc của mình. Một chị phụ nữ như vừa từ chợ về, mặc nguyên bộ trang phục đời thường với "quần ngố", áo sát nách, vào lễ đền trong chớp nhoáng rồi bước đi trong tiếng dép khua lạch cạch... Ngoài tấm biển giới thiệu thần tích của đền thì không thấy có biển QTƯX nơi công cộng. Có lẽ vì thế mà người dân dù vào đây lễ đền hay người sống quanh đó chưa ý thức được việc cần phải tuân thủ đúng quy định, thể hiện nét văn hóa đi lễ đền chùa cũng như việc bảo vệ cảnh quan chung của đền.

Dạo một vòng quanh các chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Giáp Nhất… mới thấy hết được đủ kiểu trang phục khi mọi người vào chùa. Tại phủ Tây Hồ, các Phật tử đến lễ bái đầu tháng rất đông. Trong số đó, có nhiều người cách ăn mặc không phù hợp chốn linh thiêng khiến người xung quanh “nhức mắt”. Trong một đoàn hành hương tới phủ Tây Hồ, có người phụ nữ còn khá trẻ trong trang phục kỳ cục, trên là chiếc áo phông dài tay, dưới là chiếc juýp ngắn cũn, mặc cùng với chiếc quần tất đen mỏng tang. Nơi đây còn nhiều khách tới hành lễ trong trang phục váy xòe, juýp ngắn, hay những chiếc váy liền thân bó sát.

Tới chùa Giáp Nhất (61 Giáp Nhất, quận Thanh Xuân), chúng tôi ngạc nhiên trước cảnh một số Phật tử đang sắp lễ ngoài sân chùa trong trang phục không được thuận mắt. Có những người phụ nữ mặc áo ren, áo voan xuyên thấu, mỏng tang bước chân vào chùa. Còn ở chùa Trấn Quốc, cùng là điểm đón rất nhiều du khách nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng, nhưng không khí vãn cảnh khác nhiều so với đền Ngọc Sơn. Du khách ăn vận một cách thoải mái: Quần soóc, áo ba lỗ, váy ngắn. Khi họ vào chùa, không có nhân viên phụ trách yêu cầu phải tuân thủ quy định trang phục của nhà chùa. Hay những người hướng dẫn viên Việt Nam cũng không hề tuyên truyền cho họ quy định trang phục khi vào chùa.

Lễ chùa là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt có từ mấy chục thế kỷ nay, mục đích là để lễ Phật, cầu may, đến chốn thanh tịnh buông bỏ hỉ, nộ, ái, ố, để trải nghiệm đời sống văn hóa và tâm linh. Do vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa nơi cửa chùa, đặc biệt là phong cách ăn mặc cũng chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt. Đã có những tín hiệu vui ở nơi thờ tự linh thiêng, kể từ khi bộ QTƯX ra đời. Nhưng buồn thay, đâu đó vẫn còn những cách ăn mặc, ứng xử chướng tai gai mắt, sẽ khó bề thay đổi nếu cơ sở ấy chưa coi trọng việc tuyên truyền khi người dân còn thiếu ý thức.

Từ cuối tháng 4/2017, một loạt di tích ở Hà Nội như đền Bà Kiệu, Tượng đài Vua Lê (phố Lê Thái Tổ), di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, di tích Bác Hồ viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ở Vạn Phúc đều nhất loạt có quầy cho du khách mượn áo choàng, dựng bảng phổ biến bộ QTƯX nơi công cộng tại cổng ra vào. Việc cho du khách mượn áo, hay lập biển phổ biến chỉ là phụ, mục đích chính mà các nhà quản lý muốn nhắm tới là việc nhắc nhở du khách tôn trọng tín ngưỡng bản địa. Thực tế 6 tháng triển khai, ý thức ăn mặc của du khách vào các điểm di tích này đã thay đổi. Số lượng người đi lễ cần mặc trang phục đã giảm đi. Những du khách nước ngoài du lịch theo tour cũng được các đơn vị kinh doanh lữ hành phổ biến QTƯX khi đến đền, chùa người Việt, nên cũng không còn cảnh áo ngắn, quần cộc tham quan di sản. 

Nguyễn Thị Hòa - Trưởng Ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội