68 dự án khởi nghiệp xuất sắc lọt chung kết SV - Startup 2019

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều bài thi chất lượng, ban tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh (HS), sinh viên (SV) năm 2019 SV-Startup 2019 đã chọn được 68 dự án lọt vào vòng chung kết. Đặc biệt, có 1 dự án đến từ các em HS cấp THCS.

Sáng 1/10, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS, SV năm 2019 (SV - Startup 2019).
Ông Bùi Văn Linh phát biểu tại buổi gặp mặt.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HS, SV, Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi Bùi Văn Linh cho biết, cuộc thi SV - Startup 2019 dành cho HS, SV từ 16-24 tuổi, được tổ chức với quy mô trên toàn quốc với sự tham gia của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT.
Năm nay, dù mới phát động từ tháng 6-9/2019 nhưng ban tổ chức đã nhận được gần 300 bài dự thi. Số lượng bài thi gửi về khá chất lượng, đa dạng, tập trung vào tất cả các lĩnh vực: Công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội... Trong đó, có 68 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết, đặc biệt có 1 dự án đến từ các em HS của trường THCS Tân An (Quảng Ninh) với tên gọi “Máy làm sạch lọc đáy ao nuôi tôm”.
Nói về ý nghĩa của cuộc thi, ông Linh cho biết, SV - Startup 2019 sẽ giúp thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của 20 triệu HS, SV. Qua đó cũng tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực cho HS SV. Từ hoạt động này, Bộ sẽ là đầu mối kết nối các dự án đoạt giải cao với các nhà đầu tư. Có nhiều dự án đã được các bạn HS, SV triển khai và bước đầu thành công, nhiều dự án đã chuyển sang giai đoạn có lãi.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa, Phó Ban chỉ đạo cuộc thi Đinh Văn Phong cho biết thêm, chung kết cuộc thi SV - Startup 2019 sẽ được chia thành 2 vòng Đối đầu và Phản biện để tạo thêm kịch tính cho các đội tham dự. Vòng Đối đầu sẽ diễn ra vào chiều 4/10 tại trường Đại học Bách Khoa; Vòng Phản biện diễn ra vào sáng 5/10 với hình thức thi thuyết trình và bảo vệ trực tiếp trước hội đồng giám khảo.
Năm nay, cuộc thi có điểm mới là tất cả các dự án sẽ được trưng bày sản phẩm và được chấm thi gian hàng. Về cơ cấu giải thưởng, đối với các dự án của SV, giải Nhất sẽ được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 100 triệu đồng tiền thưởng, giải Nhì được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 60 triệu đồng tiền thưởng, giải Ba có Giấy chứng nhận đạt giải và 40 triệu đồng tiền thưởng.
Với các dự án đoạt giải của các em học sinh THPT, giải Nhất được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 50 triệu đồng tiền thưởng, giải Nhì được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và 30 triệu đồng tiền thưởng, giải Ba có Giấy chứng nhận đoạt giải và 15 triệu đồng. Với gian hàng xuất sắc nhất sẽ được trao tặng 15 triệu đồng.
Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội cũng diễn ra diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho HS, SV với các kinh nghiệm từ doanh nhân khởi nghiệp; Hội thảo: "Định hướng trường Đại học khởi nghiệp: Mô hình nào cho các trường Đại học tại Việt Nam"; Hội thảo: "Công tác hỗ trợ học sinh khởi nghiệp trong các trường phổ thông, kinh nghiệm và giải pháp"...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần