7 năm, 3 gói cứu trợ, Hy Lạp vẫn lún sâu vào nghèo đói

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc sống của nhiều người dân Hy Lạp trở thành những ngày chạy ăn từng bữa, do chính sách thắt lưng buộc bụng để đổi cứu trợ của nước này.

Dimitra, một người Hy Lạp hưởng lương hưu chia sẻ, bà không thể tưởng tượng cuộc sống của mình lại trở thành những ngày chạy cơm từng bữa: một ít gạo, hai gói mỳ, gói đậu và chút sữa để sống trong cả tháng. Hiện hơn một nửa thu nhập hàng tháng tương đương 332 Euro (350 USD) để trả tiền thuê một căn hộ nhỏ ở Athens, số còn lại để thanh toán các khoản nhu yếu phẩm.
"Nghèo đói cực độ"
Ở tuổi 73, bà Dimitra từng có thời gian phục vụ trong Hội Chữ Thập Đỏ, và giờ lại thuộc số người Hy Lạp đang vật lộn từng ngày để sống với trợ cấp lương hưu ít ỏi vì chính sách thắt lưng buộc bụng. Sau 7 năm nhận được hàng tỷ Euro cứu trợ, tình hình nghèo đói tại quốc gia này chưa hề cải thiện; thậm chí còn trở nên ngày càng tồi tệ hơn bất kỳ quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) nào.
 Hình ảnh người dân Hy Lạp tụ tập đông đúc ở một khu phát chẩn thực phẩm
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã biến 4 quốc gia khu vực đồng tiền chung thành “con nợ” bao gồm Ireland, Bồ Đào Nhà, Síp và Hy Lạp. Trong số đó, chỉ riêng Hy Lạp cần tới 3 gói cứu trợ, kể từ năm 2010 tới nay. Ngân sách giải cứu từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cứu Hy Lạp khỏi vỡ nợ, nhưng đổi lại, những chính sách thắt lưng buộc bùng và cải cách cam kết với các chủ nợ lại đẩy Athens vào suy thoái sâu hơn nữa.
Theo các khảo sát, tỷ lệ tín nhiệm Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, lãnh đạo chính phủ cánh tả đang giảm mạnh, dù ông đã cố gắng giành được đàm phán có lợi nhất cho Athens trong gói cứu trợ mới. Hầu hết số tiền cứu trợ được giải ngân dưới dạng nợ mới dùng để trả nợ cũ.
Sống hay tồn tại?
Hy Lạp hiện không phải thành viên EU nghèo nhất; đứng sau Bulgaria và Romania. Nhưng thứ hạng này đang lung lay, khi cơ quan thống kê châu Âu cho biết 22,2% dân số Athens ở mức “cực kỳ nghèo” trong năm 2015, gấp đôi thời điểm cuộc khủng hoảng 2008.
Những “ngân hàng thực phẩm” được mở ra để phát chẩn cho các cá nhân có thu nhập dưới 370 Euro/tháng (mức nghèo). Cho tới nay, con số người đăng ký nhận phát chẩn đã tăng mạnh so với mặt bằng chung của châu Âu. Khoảng 11,000 hộ gia đình, tương đương 26.000 người đăng ký nhận trợ cấp lương thực, tăng cao so với 2.500 người năm 2012 và 6.000 người năm 2014.  
Các tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát Triển (OECD) đã thúc giục Athens ưu tiên giải quyết đói nghèo và mất cân bằng. Tỷ lệ thất nghiệp dù giảm từ mức đỉnh cao 28% xuống 23%, vẫn cao nhất trong EU. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, nền kinh tế đã suy giảm 25% và hàng nghìn DN phải đóng cửa.
Kỳ vọng nền kinh tế chuyển hướng tăng trưởng trong năm nay khá cao, tuy nhiên những số liệu của tuần trước cho thấy quý III/2016 tiếp tục chứng kiến đà giảm sau 2 quý trước đi ngang.
Mức sống tốt hơn được coi là yêu cầu xa xỉ. Khoảng 75% hộ gia đình tại đây bị giảm khung thu nhập, theo khảo sát của hãng GSEVEE và Marc. Khoảng hơn 30% hộ gia đình có một thành viên thất nghiệp và 40% cho biết họ phải giảm chi tiêu cho thực phẩm.  
Một giáo viên Hy Lạp về hưu, bà Eva Agkisalaki, 61 tuổi cho biết, bà không đủ tiêu chuẩn nhận lương hưu vì bị kết thúc hợp đồng khi tuổi nghỉ hưu nâng lên 67 theo chương trình thắt lưng buộc bụng. Một phần lương hưu của chồng bà, bị cắt giảm từ 980 Euro xuống 600 Euro cũng do yêu cầu kham khổ, phải dành để nuôi hai đứa con. Bà Agkisalaki cũng là một trong số người Hy Lạp xếp hàng nhận phát chẩn ở khu vực Nhà thờ Orthodox.
“Chúng tôi tồn tại chứ không phải sống. Nhiều người Hy Lạp cũng đang trong tình trạng tương tự”, bà Agkisalaki nói.