7 tháng đầu năm 2020, Hà Nội hoàn thành 50/155 dự án xây dựng cơ bản cấp Thành phố

Công Thọ - Thủy Tiên - Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/8, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp Thường trực HĐND TP gắn với hoạt động giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của Thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 đến thời điểm 31/7/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, giai đoạn 2016-2019, tổng mức kế hoạch vốn trung hạn là 107.303,365 tỷ đồng.
Thành phố đã cân đối bố trí kế hoạch 79.115 tỷ đồng, đạt 73,7% so với tổng mức vốn kế hoạch trung hạn được duyệt. Trong đó, các dự án và nhiệm vụ chi đầu tư cấp Thành phố là 62.896 tỷ đồng, đạt 74,5% so với tổng mức vốn kế hoạch trung hạn. Nhóm các dự án hỗ trợ cấp huyện là 16.219 tỷ đồng, đạt 70,8% so với tổng mức vốn kế hoạch trung hạn.
   Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn báo cáo 
Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn trung hạn cấp Thành phố giai đoạn 2016- 2019 (tính đến hết ngày 31/01/2020) là 67.490 tỷ đồng, đạt 85,3% kế hoạch đã giao và bằng 62,9% tổng mức vốn kế hoạch trung hạn được phê duyệt. Trong đó, các dự án và nhiệm vụ chi đầu tư cấp Thành phố giải ngân 52.001 tỷ đồng, đạt 82,7% kế hoạch đã giao và bằng 61,6% tổng mức vốn kế hoạch trung hạn được phê duyệt. Đã hoàn thành, bàn giao 396 dự án XDCB tập trung. Nhóm các dự án hỗ trợ cấp huyện giải ngân 15.489 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch đã giao và bằng 67,6% tổng mức vốn kế hoạch trung hạn được phê duyệt. Đã có 617 dự án hoàn thành từ nguồn ngân sách thành phỗ hỗ trợ mục tiêu cấp huyện.
Về kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020, kế hoạch chi đầu tư phát triển của Thành phố đến nay sau 2 quyết định điều chỉnh là 45,567,5 tỷ đồng, cao hơn Trung ương giao là 4.896,1 tỷ đồng. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển cấp Thành phố là 28.753,9 tỷ đồng.
Riêng đối với các dự án XDCB tập trung cấp Thành phố, Thành phố bố trí vốn cho 272 dự án với số vốn là 14.823 tỷ đồng, trong đó 148 dự án chuyển tiếp (11.914 tỷ đồng, chiếm 80,4% tổng vốn XDCB tập trung) và 124 dự án khởi công mới (2.909 tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng vốn XDCB tập trung); dự kiến sẽ có 163/272 dự án hoàn thành, bàn giao trong năm 2020.
7 tháng đầu năm 2020, Thành phố đã hoàn thành 50/155 dự án XDCB cấp Thành phố; còn lại 222/272 dự án đang triển khai thực hiện, trong đó có 124 dự án khởi công mới.
Về kết quả giải ngân, đến ngày 31/7/2020, toàn Thành phố giải ngân được 14.639 tỷ đồng, đạt 32,59% kế hoạch giao Thành phố đầu năm và đạt 36% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, giải ngân chi đầu tư xây dựng cơ bản cấp Thành phố là 4.132,6 tỷ đồng, đạt 27,9% kế hoạch giao đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (15,6%).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, đến hết năm 2020, trường hợp nguồn vốn cho Kế hoạch Đầu tư công trung hạn được bảo đảm như đã phê duyệt, dự kiến hoàn thành 546/551 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố; hoàn thành 851/856 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện.
Nhiều công trình hoàn thành đã giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc dân sinh
Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn đầu tiên thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm trong điều kiện hệ thống văn bản quy phạm điều chỉnh còn chưa kịp thời, đầy đủ. Tuy nhiên vơi sự chi đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố, sự cố gắng của các cấp, các ngành trong thời gian qua, kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhiều dự án công trình xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố được tập trung bố trí vốn, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần hoàn thành kế hoạch các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, các Chương trình của Thành ủy, Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, các khâu đột phá trong giai đoạn 2016-2020 của Thành phố.
Các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI cần phải có dành nguồn lực đầu tư công để hoàn thành cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch như: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt 1,74 triệu tỷ đồng, gấp 1,65 lần giai đoạn 2011-2015, bằng 43,9% GRDP, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI là 1,70-1,75 triệu tỷ đồng (quy đổi theo cách tính mới).
Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến cuối năm 2020, ước có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, vượt Nghị quyết Đại hội đề ra là 70-75% tổng số xã, tăng thêm 110-130 xã so với năm 2015;
Tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia đạt 70%, đạt Nghị quyết Đại hội đề ra là 65-70%. Số giường bệnh/vạn dân: 27,1; vượt chỉ tiêu Nghị quyết là 23. Số bác sĩ/vạn dân: 13,5; đạt chỉ tiêu tại Nghị quyết. Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới của Bộ Y tế): 100%, đạt chỉ tiêu tại Nghị quyết. Tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động và xây dụng mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn quốc gia tương ứng (Nghị quyết Đại hội là 100%).
Các công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc dân sinh, giảm thiểu ùn tắc giao thông, đảm bảo môi trường, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, nhất là hệ thống giao thông với các tuyến đường kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; đường vành đai, trục hưóng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.
Thành phố tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 100%. Nhiều thủ tục hành chính đã thực hiện trên môi trường mạng một cách phổ biến như: đăng ký thành lập doanh nghiệp (đạt 100%), kê khai và nộp thuế (trên 95%), hải quan (100%), bảo hiểm xã hội (trên 98%), thanh-toán tiền điện,...
Cùng với việc thu hút đầu tư ngoài ngân sách, Thành phố đang hướng tới cung cấp các dịch vụ đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,...
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 còn chậm và phải điều chỉnh nhiều lần. Nghị quyết của HĐND Thành phố đầu tiên về đầu tư công trung hạn được phê duyệt tại kỳ họp tháng 12/2016. Từ đầu kỳ trung hạn đến nay, Thành phố phải thực hiện 4 lần cập nhật, điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Các dự án ODA triển khai chậm và khó khăn trong bố trí vốn. Từ năm 2017, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, việc giải ngân vốn ODA của các dự án căn cứ vốn kế hoạch bố trí hằng năm mà không theo tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ. Trong khi đó, mức vốn ODA bố trí hằng năm bị khống chế bời trần nợ công. Do đó, vốn không bố trí được theo tiến độ của dự án.
Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA được thực hiện từ nhiều nguồn vốn của các nhà tài trợ khác nhau nên quá trình triển khai phải xin ý kiến của nhà tài trợ dẫn tới việc kéo dài thời gian; thủ tục phê duyệt bổ sung vốn ODA kéo dài làm ảnh hưởng- đến tiến độ lựa chọn nhà thầu và giải ngân các gói thầu.
Việc triển khai các dự án xây dựng nhà tái định cư để bổ sung quỹ nhà tái định cư còn chậm làm ảnh hưởng không nhỏ tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các dự án. Một số chủ đầu tư thực hiện chưa nghiêm túc các quy định trong công tác quyết toán dự án hoàn thành.
Tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm
Để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nay đến hết năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, TP tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Chỉ đạo các chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã) tập trung triển khai quyết liệt thực hiện các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND Thành phố quyết nghị. Đặc biệt là đối các công trình hoàn thành, các công trình khởi công để chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đối với một số công trình có điều kiện đảm bảo trong công tác thi công thì có tiến hành thi công 2, 3 ca/ ngày để đẩy nhanh tiến độ. Việc thi công tại các công trình cần phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Chủ động triển khai công tác chuẩn bị thực hiện dự án, trong đó tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm, các công trình cấp bách, cấp thiết cần đẩy nhanh tiến độ ngay sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để trình HĐND Thành phố bố trí vốn bổ sưng và khởi công trong năm 2020.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện các dự án, kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch vốn đối với các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng thực hiện và có nhu cầu bổ sung vốn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dự án đầu tư đối với các chủ đầu tư, UBND cấp huyện có kết quả giải ngân thấp để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các dự án chậm tiến độ, những tồn tại, hạn chế nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Các sở, ngành Thành phố tiếp tục rà soát, thực hiện cải cách hành chính đối với các thủ tục về đầu tư xây dựng, bồi thường GPMB, thu hồi đất. Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng.