8 giải pháp đột phá tái cơ cấu nông nghiệp

Văn Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ NN&PTNT xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân và về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo điều kiện để nông dân và DN tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
 Trồng lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ cấu lại sản phẩm theo 3 nhóm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, gia cầm); Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương; Nhóm sản phẩm vùng/miền là đặc sản của các địa phương, có chỉ dẫn địa lý cụ thể.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển DN nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu,chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phối hợp với Bộ KH&CN giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình và các khâu chế biến, phân phối với cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm địa phương. Đồng thời phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; đảm bảo VSATTP.

Thứ sáu, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường. Bộ sẽ thành lập cơ quan quản lý tập trung, thúc đẩy chuỗi chế biến nông sản gắn với mở rộng thị trường. Trong đó kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, DN và tổ chức của nông dân để khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, kể cả thị trường truyền thống và nhóm thị trường mới. Đồng thời tăng cường năng lực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Cùng với đó, phát triển mạnh thị trường trong nước, điều hành cân đối cung cầu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhạy cảm.

Thứ bảy, tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế, rút dần khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ T.Ư đến địa phương.

Theo Bộ NN&PTNT, để tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế, cần triển khai đồng bộ cả 8 giải pháp trên, trong đó trọng tâm là phải hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng KHCN và đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất để tạo đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần