8 “ông lớn” Nhà nước định giá “vênh” hơn 8.000 tỷ đồng giá trị DN khi cổ phần hóa

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/8, tại Hội thảo “Xác định giá trị DN trước cổ phần hóa” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) tổ chức, đại diện KTNN đã chỉ ra, năm 2016, qua kiểm toán 8 DNNN được các tổ chức tư vấn định giá xác định theo phương pháp tài sản, cơ quan này đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước hơn 8.454 tỷ đồng.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam có con số báo cáo giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là hơn 31.500 tỷ đồng
Trong danh sách 8 ông lớn này, đứng đầu là Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Bình Sơn. Giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo báo cáo là hơn 40.342 tỷ đồng tuy nhiên, sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỷ đồng, thức chênh lệch hơn 4.586 tỷ đồng.
Đứng thứ hai là Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng có con số báo cáo giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là hơn 31.500 tỷ đồng. Tuy vậy, con số trên sau kiểm toán lại lên tới hơn 33.500 tỷ đồng (chênh lệch trên 2.000 tỷ đồng). Các DN còn lại cũng có mức chênh lệc lên tới hàng trăm triệu đồng. Chẳng hạn, Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam (chênh 512 tỷ đồng), Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam (chênh 440 tỷ đồng), Công ty mẹ - Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (chênh lệch 72 tỷ đồng)…
Đại diện KTNN cho biết, có nhiều lý do khiến xuất hiện chênh lệch này, trong đó cũng có những lý do khách quan như “vênh” về thời điểm DNNN được định giá và lúc DNNN cổ phần hóa hay việc thẩm định viên không có đầy đủ thông tin thời điểm định giá như kiểm toán viên Nhà nước. Nhưng thực tế có tình trạng kiểm sót tài sản hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ. Một số đơn vị không xử lý các khoản tài chính như doanh thu, thu nhập khác, nợ phải thu, nợ phải trả, nợ không phải trả… “Các DN có xu hướng muốn để lại và hạch toán vào thu nhập sau thời điểm xác định giá trị DN nhưng cơ quan thanh kiểm tra và tổ chức tư vấn định giá không phát hiện ra” ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, tình trạng kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh cũng rất phổ biến. Các loại chi phí liên quan tới hạng mục này như như chi phí tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại… chưa được các đơn vị tập hợp, xác định đầy đủ. Có trường hợp đơn vị còn áp dụng văn bản chưa có hiệu lực thi hành để tính toán, xác định giá trị DN.
Để hạn chế tình trạng này, các đại biểu đề xuất, nên có cơ chế khuyến khích việc sử dụng kết hợp nhiều phương pháp xác định giá khác nhau để xác định giá trị DN. Cần áp dụng ít nhất 2 phương pháp, một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu.