83,24% thí sinh không đạt điểm trung bình môn lịch sử: Vì đâu nên nỗi?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một mùa tuyển sinh nữa lại trôi qua, nhưng dường như nỗi nhức nhối về môn Lịch sử vẫn hiện hữu và dai dẳng khi kỳ thi năm nay toàn quốc có tới 83,24% thí sinh không đạt điểm trung bình. Điểm trung bình môn này chỉ 3,79 điểm, thấp nhất trong tất cả các môn thi.

 Thí sinh xem điểm bài thi. Ảnh minh họa.
Nhìn về quá khứ, con số hàng nghìn học sinh bị điểm 0 trong kỳ thi đại học năm 2011 vẫn được dư luận ví là “thảm họa” của ngành giáo dục. Đến kỳ thi đại học năm 2012, các cán bộ chấm thi đánh giá chất lượng thí sinh khối C đã khá hơn so với những năm trước. Nhưng Lịch sử vẫn là môn lĩnh nhiều điểm 0 nhất. Và kỳ thi này đã một lần nữa chứng minh sự thất bại của ngành giáo dục trong dạy và học môn Lịch sử.
Vốn là môn học hấp dẫn của nhiều thế hệ nhưng hiện nay cả người học và người dạy đều không mặn mà. Nhìn vào thực trạng này, nhiều người dễ dàng cho rằng, do học sinh “có vấn đề”, không thích môn Sử. Nhưng đây là nhận định quá vội vàng bởi một môn học mà không thu hút được học sinh thì lỗi không hẳn ở học sinh. Thực tế, chương trình sách giáo khoa và phương pháp giáo dục thụ động, một chiều đã không tạo được sự hứng thú, niềm đam mê cho học sinh học Lịch sử.
Quá mệt mỏi, khó nhớ chi tiết, khô khan... là những nhận xét của đa số học sinh khi nói về môn học này. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, toàn bộ sách lịch sử của bậc phổ thông hiện tại là khối kiến thức quá lớn, học sinh khó bề dung nạp mà chỉ nên dành cho các trường chuyên nghiên cứu, phân tích về lịch sử, hoặc các nhà lý luận chính trị. Bên cạnh đó, cách dạy Lịch sử trong nhà trường vẫn theo lối mòn cô đọc - trò chép, thiếu bản đồ mô phỏng, thiếu những bộ phim lịch sử hay, hấp dẫn, thiếu những chuyến đi thực tế đến các địa danh lịch sử để học sinh ghi nhớ. Và cuối cùng, giáo viên vẫn chưa thật sự tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy mà bắt các em phải nhớ kỹ các con số như mình…

Đánh giá về vấn đề này, một giáo sư Sử học nổi tiếng cho rằng, kết quả môn Lịch sử đã bộc lộ chất lượng giáo dục theo cách cũ. Vì thế, cần có giải pháp thấu đáo, không nên đổ lỗi cho học sinh.

Thực tế, hằng năm, trên các diễn đàn giáo dục, tại nhiều hội nghị, hội thảo, các chuyên gia, nhà giáo vẫn trăn trở để “thay đổi tư duy”, “thay đổi nhận thức” về dạy và học môn Lịch sử. Nhưng, dường như giải pháp để thay đổi phương pháp dạy và học môn này vẫn còn quá xa vời. Nếu cứ đà này, e rằng kết quả môn học Lịch sử sẽ còn là một nỗi buồn kéo dài của ngành giáo dục và cả xã hội.