Theo đánh giá của ADB, nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do biến đổi khí hậu (BĐKH) làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên hơn, đe dọa an toàn hệ thống hồ đập, gia tăng nguy cơ lũ lụt cho vùng hạ du, cũng như công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi ngày càng khó khăn.
BĐKH cũng đe dọa trực tiếp an ninh nguồn nước của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Mạng lưới công tác vì nước Việt Nam cho thấy: Tổng lượng nước mặt đến lãnh thổ Việt Nam bình quân hàng năm khoảng 830-840 tỷ mét khối, trong đó có khoảng 310-215 tỷ mét khối, tương đương 37% là nước nội sinh, 63% khối lượng nước còn lại đến từ các quốc gia láng giềng. Theo Hiệp hội Nước quốc tế, lượng nước bình quân của Việt Nam hiện tại chỉ đạt 9.500 m3/người/năm, thấp hơn các quốc gia có mức nước trung bình (10.000m3). Nếu tính theo mức nước nội sinh thì Việt Nam chỉ đạt 4.000 m3/người/năm.
Trong khi nguồn nước sẵn có bị giảm, nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt… ngày càng gia tăng. Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, lượng nước sử dụng hàng năm cho sản xuất nông nghiệp khoảng 93 tỷ mét khối, công nghiệp khoảng 17,3 tỷ mét khối, sinh hoạt 3,09 tỷ mét khối… Không chỉ vậy, nguồn nước của Việt Nam đang chịu nhiều thách thức: Các sông ngòi đang được khai thác mạnh phục vụ sản xuất điện; hệ sinh thái, đặc biệt là các vùng đất ngập nước đang bị thu hẹp dần để sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị; tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt đang diễn ra ở nhiều nơi…