Hàng nghìn chung cư xuống cấp nhưng tiến độ rất chậm. Nhiều chung cư đang xuống cấp rất nguy hiểm (đặc biệt, những người đang sống ở đó là những người có công, đối tượng nhà ở xã hội rất khó khăn). Lý do theo nhiều ý kiến tại hội nghị “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản” sáng 20/4 chỉ ra là hạn chế về mật độ dân cư, khả năng sinh lời thấp, người dân không đồng thuận di dời, dự án vướng quy hoạch tổng thể… cần có một cơ chế chính sách giải quyết vấn đề này. Cần coi cải tạo chung cư cũ là một dạng Nhà ở xã hội và Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong cải tạo chung cư cũ.
Với tư cách là đơn vị làm thực tế cải tạo chung cư Văn Chương (Hà Nội), ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng chia sẻ, đến nay tuổi thọ khu này 58 năm, rất nguy hiểm nhưng tâm lý người dân là Nhà nước cần phải cải tạo nên khi thương lượng với dân họ đòi đến bù rất lớn gấp 2 - 2,5 lần thậm chí có hộ còn đòi đền bù gấp 5 lần. Do đó, để giải quyết cải tạo chung cư Chính phủ và Quốc hội giao cho HĐND các tỉnh, thành quy định hệ số đền bù cho dân là bao nhiều, có nguồn ngân sách, đất (giải quyết tạm cư) cải tạo chung cư cũ. Ví dụ như khu Văn Chương theo như quy hoạch của TP Hà Nội xây dựng từ năm 2014, mà với cơ chế hộ dân đòi đền bù như vậy, DN sẽ lỗ không DN nào làm được, nếu không có những đánh giá thì rất khó làm.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, cải tạo chung cư cũ, bây giờ mà chờ 100% người dân đồng thuận thì rất khó nên chăng nếu được 70 - 80% đồng thuận là có thể triển khai dự án, còn quyền lợi thì đương nhiên vẫn phải 100% cư dân được đảm bảo. Thực tế như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội phải mất tới 10 năm để vận động 50 hộ dân tại một khu chung cư cũ cấp độ D - cấp cần cải tạo khẩn cấp đến nơi tạm cư, trong tổng số 150 gia đình. Số còn lại vẫn đang tiếp tục vận động.
Trước đó, tham luận gửi đến hội nghị trực tuyến toàn quốc về đầu tư xây dựng sáng 20/4 của UBND TP Hà Nội cũng đề cập đến công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP, trong đó nêu rõ: Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, khó khăn lớn nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng, tái định cư do Nhà đầu tư phải thỏa thuận được với các chủ sở hữu nhà thì mới được Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Cơ chế thỏa thuận giữa người sở hữu nhà và chủ đầu tư và cho người sở hữu nhà chung cư đề xuất chủ đầu tư và cho người dân lựa chọn chủ đầu tư là nguyên nhân khó khăn cho việc triển khai, tổ chức thực hiện, tạo sức ép lên chính quyền về quy hoạch và dân số. Do có ràng buộc về quy hoạch và mật độ dân số dẫn đến Nhà đầu tư không xây dựng được phương án đầu tư, nhất là phương án tài chính.
Để khả thi khi thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các dự án nhà ở xã hội, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu đô thị trước khi phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP (trong đó cho phép nghiên cứu về tầng cao, quy mô dân số phù hợp với hiện trạng dân số và đảm bảo khả thi khi thực hiện); căn cứ Kế hoạch cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, UBND TP lập và phê duyệt Danh mục các khu chung cư cũ phải cải tạo, xây dựng lại hằng năm, UBND TP tổ chức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án; các hộ dân có thể đề xuất, giới thiệu các chủ đầu tư tham gia đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, thay cho việc các hộ dân lựa chọn chủ đầu tư, báo cáo UBND TP chấp thuận như quy định tại Nghị định 101/2015/NĐ-CP cho phép TP ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định của Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể các hoạt động liên quan đến việc đầu tư phát triển đô thị; Luật Đất đai 2013 và các Nghị định 43/2014/NĐ-CP trong việc thu hồi các căn hộ đối với từng hộ gia đình, cá nhân.