Ả Rập nỗ lực cứu vãn "Davos trên sa mạc" sau vụ Khashoggi

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị đầu tư “trứ danh” của Ả Rập Saudi tuần này vẫn diễn ra, bất chấp sự rút lui của nhiều CEO và giới chức liên quan tới vụ Jamal Khashoggi.

Chương trình hội nghị đã phải rút ngắn lại do một số diễn giả rút lui, trong đó các chương trình nghị sự về vấn đề kinh tế toàn cầu cũng phải điều chỉnh.

Sự rút lui hàng loạt

Hâu hết các CEO và giới chức kinh tế hàng đầu trên thế giới dự kiến tham dự Hội nghị sáng kiến Đầu tư Tương lai của Ả Rập (FII), hay còn mệnh danh là “Davos trên sa mạc”, đã tuyên bố rút lui trong 10 ngày qua, liên quan tới bê bối nhà báo Jamal Khashoggi nghi bị sát hại tại Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10.

 Nhà báo Jamal Khashoggi 

Ả Rập lúc đầu phủ nhận những hiểu biết về vụ việc, tuy nhiên vào cuối tuần trước thừa nhận cây bút này đã thực sự “thiệt mạng” bên trong Lãnh sự quán. Các tùy tùng của Thái tử Ả Rập Mohammed bin Salman được cho là chịu trách nhiệm cho cái chết của nhà báo này.

Trong bối cảnh đó, nhà tổ chức hội nghị khẳng định, sự kiện này sẽ diễn ra như thường lệ vào hôm nay (23/10). Tuy nhiên, hôm nay, website của Hội nghị cho biết chương trình chi tiết của sự kiện kéo dài ba ngày này sẽ được “công bố sát giờ”.

"(Hội nghị) sẽ đón hàng ngàn đại biểu trên thế giới, với chương trình nghị sự phong phú bao gồm hơn 40 phiên thảo thuận, hội thảo, phiên họp chuyên sâu”,  website của Hội nghị tuyên bố trong tuần trước.

Thái tử Bin Salman theo dự định sẽ chủ trì hội nghị. Tuy nhiên, sự tham dự của ông trong năm nay sẽ không còn gây ảnh hưởng so với năm 2017, bởi danh sách khách mời đã bớt “danh giá” hơn năm ngoái, thời điểm Thái tử công bố và tuyên truyền về Kế hoạch tầm nhìn năm 2030 về một nền kinh tế không dựa vào dầu mỏ.

Trong số danh sách các CEO hạng A đã tuyên bố rút khỏi hội nghị bao gồm CEO cảu JPMorgan Jamie Dimon, CEO HSBC John Flint, CEO Blackrock Larry Fink và CEO của Uber Dara Khosrowshahi. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Giám đốc Điều hành IMF Christine Lagarde dự kiến cũng không xuất hiện.

"Câu chuyện Khashoggi đã phá hủy danh tiếng của vương quốc  (Ả Rập), đe dọa sự ổn định chính trị”, theo Garbis Iradian, nhà kinh tế trưởng về khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Tài chính Quốc tế. "Các doanh nghiệp có thể trì hoãn hoặc giảm bớt các giao dịch kinh doanh tại Ả Rập, chấp chận chờ đợi các động thái tiếp theo", chuyên gia này nhận định.

Vẫn còn hy vọng

Tuy nhiên, sự vắng mặt của những lãnh đao kinh tế hàng đầu sẽ không đặt dấu chấm hết cho các thảo luận về cơ hội kinh doanh trong tương lai. Một số công ty vẫn sẽ điều giám đốc điều hành cấp cao hay nhân viên cấp cao tới. Ví dụ như JP Morgan và HSBC đang cử đại diện, bất chấp CEO của họ rút lui. Và người đứng đầu kinh doanh quốc tế của Morgan Stanley (Franc), Franck Petitgas, vẫn tham gia với tư cách diễn giả.

Một “ông lớn” khác, tập đoàn máy bay Airbus, với 1,000 nhân công tại Ả Rập, vẫn muốn duy trì các kênh giao tiếp với quốc gia này, dù các CEO hàng đầu rút khỏi danh sách tham gia hội nghị.

Giới chức các nước trong khu vực như Các tiểu Vương quốc Ả Rập (UAE) sẽ có mặt. Nhiều trong số này vẫn cam kết ủng hộ quan điểm của Ả Rập Saudi trong vụ Khashoggi.

Đức đã ngừng thỏa thuận bán vũ khí cho Ả Rập, trong khi đó nhà thầu quốc phòng từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ sẽ vẫn tham dự Hội nghị tại Ả Rập. Trong một cuộc phỏng vấn với CBS tuần trước, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông không muốn trừng phạt Ả Rập Saudi vì có thể khiến các công ty như Boeing (BA) và Raytheon (RTN) lao đao. Giám đốc điều hành tập đoàn Raytheon Thomas Kennedy được cho là sẽ tham gia Hội nghị FII với vai trò diễn giả.

Các CEO từ tập đoàn dầu lửa lớn dự kiến sẽ tham dự hội nghị. CEO của Total Patrick Pouyanné vẫn trong danh sách diễn giả. Tập đoàn dầu lửa này hồi đầu tháng bắt đầu triển khai khu phức hợp hóa dầu trị giá 5 tỷ USD tại Ả Rập.

Ả Rập sẽ khó “bán mình”  hơn?

Tuy nhiên, một số quan hệ kinh tế đang trong giai đoạn phát triển của Ả Rập, đặc biệt đối với giới công nghệ toàn cầu đang chịu áp lực, và có thể bị tổn hại.

Tại hội nghị một năm trước, Giám đốc điều hành của Tập đoàn viễn thông SoftBank (SFTBF) Masayoshi Son ngồi bên cạnh Thái tử bin Salman khi ông này công bố kế hoạch một thành phố tương lai trị giá 500 tỷ USD.

Ông Son cũng đã khởi xướng một quỹ công nghệ khổng lồ trị giá 93 tỷ USD với gần một nửa số tiền đến từ chính phủ Ả Rập Saudi. Quỹ này đầu tư vào hàng chục công ty khởi nghiệp như WeWork và Slack. CEO của SoftBank cũng đã lên kế hoạch cho một quỹ thứ hai tương tự, điều khó có khả năng vào thời điểm hiện tại.  

SoftBank đã giữ im lặng về việc liệu CEO Son và các giám đốc điều hành hàng đầu khác vẫn có kế hoạch tham dự Hội nghị FII. Tập đoàn cũng đã từ chối bình luận về vấn đề này khi được yêu cầu bình luận vào cuối tuần trước.

Theo CNN, Ả Rập Saudi cần khẩn trương giảm đà tuột dốc của đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa nền kinh tế và kết thúc điều mà Thái tử Ả Rập từng miêu tả là sự "nghiện" dầu. Theo Kế hoạch tầm nhìn 2030, Thái tử bin Salman muốn phát triển khu vực tư nhân, thúc đẩy du lịch và giảm tỷ lệ thất nghiệp trong vòng 10 năm tới.

Kế hoạch được cho là đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư quốc tế đến với Ả Rập, bao gồm cả tỷ phú Richard Branson, với hai dự án du lịch đã triển khai tại đây và đang đàm phán với khoản đầu tư 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tỷ phú Branson lại là một trong những người đầu tiên đình chỉ hoạt động tại Ả Rập Saudi sau sự khi nhà báo Khashoggi mất tích, đồng thời bày tỏ nghi ngại các doanh nghiệp phương Tây có nên tham gia vào thị trường Trung Đông này hay không.

Ả Rập Saudi đã nỗ lực gây dựng hình ảnh một thị trường mở cửa nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong Hội nghị năm ngoái. Tuy nhiên, nỗ lực này trong Hội nghị năm nay có vẻ khó khăn hơn nhiều.