Abenomics - Liệu pháp tái sinh kinh tế Nhật Bản?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhiều lần nhấn mạnh đến chính sách kinh tế "3 mục tiêu" được các chuyên gia gọi là "Abenomics".

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại nhiều nghi vấn về việc chính sách này có phát huy tác dụng để tái sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới theo cam kết của ông Abe hay không.

Tiếp quản một nền kinh tế chìm trong suy thoái kéo dài và nợ công đã ở ngưỡng nguy hiểm (gấp 2 lần GDP), ông Abe hy vọng chính sách "3 mục tiêu" gồm: Nới lỏng tiền tệ tích cực, chi tiêu ngân sách linh hoạt và tập trung đầu tư cho khu vực tư nhân sẽ từng bước đưa xứ sở mặt trời mọc quay lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có.

Abenomics - Liệu pháp tái sinh kinh tế Nhật Bản? - Ảnh 1

Kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho thấy quyết tâm của Thủ tướng Abe trong việc siết chặt kỷ luật tài chính đất nước

Để thực hiện kế hoạch đầy tham vọng của mình, ông Abe cho biết, từ tháng 1/2014, các ngân hàng nước này sẽ bắt đầu mua lại không giới hạn trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản với tổng trị giá 13.000 tỷ Yên (146 tỷ USD). Việc bơm tiền vào nền kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến việc giá cả tăng nhanh, đưa mục tiêu lạm phát từ 1% hiện nay lên 2% mỗi năm và giúp ông Abe hoàn thành cam kết loại bỏ giảm phát đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử Thủ tướng.

Trong dự báo mới nhất vừa được công bố, Tokyo dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm tài chính 2013/2014 dựa trên kỳ vọng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ hiện thực hóa tham vọng dùng các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các nền kinh tế nước ngoài cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, các quan chức nhận định. Nếu kinh tế tăng trưởng đúng với dự báo, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1997, Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát GDP.

Tuy nhiên, về mặt bản chất, thuật ngữ "Abenomics" - chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Còn lâu dài, chính sách này tất yếu sẽ dẫn đến việc tăng chi tiêu quá mức, từ đó đặt gánh nặng nợ lên vai nền kinh tế, người dân Nhật và những thế hệ tương lai. Ý thức được điều đó, hôm 28/1, trong bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội kể từ khi nhậm chức, ông Abe cho biết: "Chúng ta không thể tiếp tục chi tiêu ngân sách mãi mãi" và khẳng định tình hình kinh tế Nhật Bản hiện nay đòi hỏi những biện pháp cải thiện mạnh tay hơn. Ngay sau đó, hôm 29/1, Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn gói chi tiêu trị giá 92.600 tỷ Yên (khoảng 1.000 tỷ USD) cho năm tài khoá 2013, bắt đầu vào ngày 1/4 tới. Kế hoạch cắt giảm chi tiêu lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua cho thấy quyết tâm của Thủ tướng Abe trong việc siết chặt kỷ luật tài chính đất nước song song với các biện pháp kích thích nền kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần