ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á ngày 26/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam còn 6,9%, thấp hơn so với mức 7,1% được dự báo trong tháng 4.

Lý do được ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam đưa ra là do xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm.
Dây chuyền sản xuất motor điện loại nhỏ tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam Khu công nghiệp Biên Hòa 2 tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Danh Lam
ADB cũng cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng giảm nhẹ ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại thế giới và tác động trực tiếp đến xuất khẩu Việt Nam. Chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc và Mỹ sẽ tìm thị trường mới, hàng hóa Việt Nam chịu thêm áp lực cạnh tranh. Cùng với đó, căng thẳng thương mại leo thang toàn cầu cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, ADB khuyến nghị Việt Nam cần mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu sang nhiều thị trường, tận dụng các cam kết hiệp định thương mại; phát triển, khai thác thị trường trong nước. “Một thập kỷ nữa, nhu cầu nội địa của Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, tầng lớp thu nhập trung bình tăng lên” - ADB dự báo.

Theo ADB, Việt Nam đang quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh song còn nhiều dư địa cải cách, trong đó nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả cải cách hành chính và phải đối thoại với DN, người dân. Đồng thời tạo sân chơi phải bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước. Trong bối cảnh ngày càng hội nhập, tác động của KHCN thì cần quan tâm tăng cường chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ năng với người lao động. “Trong tất cả cuộc chiến tranh thương mại, cải tổ, tăng cường chất lượng môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, đặc biệt logistics rất quan trọng, quyết định cạnh tranh của nền kinh tế và đa dạng hóa thị trường… Đây là tất cả các điểm dù có chiến tranh thương mại hay không vẫn nên tập trung giải quyết, cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ Việt Nam vượt qua mọi tác động tiêu cực” - chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường chia sẻ.

ADB cũng cảnh báo áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm. Tăng trưởng cao cùng với sự gia tăng các loại giá cả và giá lương thực, giá dầu thế giới phi mã… có thể khiến lạm phát của Việt Nam gia tăng. Do đó, ADB đã điều chỉnh lạm phát của Việt Nam lên 4% trong năm 2018 và 4,5% cho năm 2019, tăng so với ước tính tại báo cáo hồi tháng 4 tương ứng là 3,7% và 4%.