Agribank hướng dòng vốn tới sản xuất, kinh doanh

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 7 tháng năm 2018, triển khai đồng bộ các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt hiệu quả, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm cung ứng khoảng 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế. Là một trong các ngân hàng lớn nhất, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) luôn tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng hướng dòng vốn tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh.

 Giao dịch tại chi nhánh Agribank ở Hà Nội. Ảnh: Nguyên Anh

70,2% dư nợ cho hộ sản xuất và cá nhân

Tính đến 31/7/2018, nguồn vốn huy động thị trường 1 của Agribank đạt trên 1,114 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%), đạt 3,8% so với kế hoạch tăng trưởng. Dư nợ cho vay đạt 930.409 tỷ đồng, tăng 6,15% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 6,2%). Trong đó, dư nợ cho vay đối với hộ sản xuất và cá nhân là 653.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70,2% trong tổng dư nợ cho vay. Cho vay DN đạt 276.909 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 29,8%. Thu dịch vụ đạt 3.205 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ…
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Agribank tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác tín dụng làm cơ sở cho việc tăng trưởng tín dụng. Luôn đặt khách hàng là trung tâm, tối đa hóa các nguồn lực, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ giao tiếp, phong cách giao dịch để hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng tốt nhất… đưa Agribank tiếp tục vượt qua những thách thức, khó khăn, phát triển ổn định, bền vững.

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh
Agribank luôn hướng vào đối tượng sản xuất, kinh doanh, chủ động, tích cực tìm kiếm và dành nguồn vốn ưu đãi giá rẻ giúp cộng đồng DN tận dụng lợi thế để tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Agribank duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, bao gồm: Phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; sản xuất - kinh doanh của DN nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; sản xuất - kinh doanh của DN ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ DN khởi nghiệp có phương án khả thi, áp dụng các sáng kiến mới vào nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Trong những năm qua, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các đối tượng khách hàng. Trong tháng 1/2018, Agribank tiên phong thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ tối đa 6,5%/năm xuống còn tối đa 6%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Mới đây nhất, triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ DN xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm...

Triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, song mỗi năm, bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với nhiều đối tượng khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Agribank khi vừa đảm trách nhiệm vụ chính trị của ngân hàng thương mại Nhà nước, vừa hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Dự báo về môi trường kinh doanh những tháng cuối năm 2018, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho hay, trong điều kiện vẫn còn nhiều yếu tố không thuận lợi do cả lý do khách quan và chủ quan, nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị 01/CT-NHNN; Hội đồng thành viên và Ban điều hành Agribank xác định nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu những tháng cuối năm 2018 tập trung triển khai: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng, cơ chế quản trị điều hành liên quan đến hoạt động tín dụng có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với hoạt động kinh doanh; Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2022 theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Bên cạnh tiếp tục vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu "Tam nông", hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế….