Agribank sẵn sàng với nông nghiệp 4.0

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với gần 30 năm gắn bó, đồng hành cùng chính sách “Tam nông”, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn ưu tiên dành nguồn vốn lớn để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng nông nghiệp nông thôn. Cho vay lĩnh vực này luôn chiếm tỷ trọng trên 70% tổng dư nợ của Agribank và trên 50% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn ngành ngân hàng.

Tạo lực đẩy đối với “Tam nông” và nền kinh tế
Tuy phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên. Mỗi năm, Agribank dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới tại 8.937 xã trên tổng số 9.001 xã trong cả nước. Đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 17,6%, đạt gần 900.000 tỷ đồng; Trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 650.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% dư nợ.
Trong giai đoạn khó khăn của thời kỳ tái cơ cấu vừa qua, thực hiện nhiệm vụ chính trị, bằng tài chính của ngân hàng, Agribank đã thực hiện hàng chục đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, mỗi năm giảm thu tài chính khoảng 3.000 tỷ đồng do áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi cho các đối tượng “tam nông”, mặc dù không có cấp bù của Nhà nước, không được vay tái cấp vốn. Tuy vậy, với cơ cấu doanh thu bền vững nên lợi nhuận Agribank vẫn tiếp tục tăng trưởng. Theo chia sẻ của lãnh đạo Agribank, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2017 tăng 20%, đạt 5.018 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Agribank. Ảnh: Ngọc Trâm.
Nhiều năm liên tục, Agribank được bình chọn là “DN vì cộng đồng” và luôn tự hào là “Ngân hàng của bà con nông dân” góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng, ổn định các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam.
Vì sự phát triển “tam nông” bền vững, hiệu quả
Với quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ về gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Agribank đã triển khai hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu; cho vay tái canh cây cà phê; cho vay hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai, ngập mặn, sự cố môi trường; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với ngành chăn nuôi lợn… Bước đầu, các mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các DN và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư lĩnh vực này, có đóng góp tích cực đối với quá trình triển khai tái cơ cấu nền nông nghiệp trong nước.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Agribank là luôn cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “tam nông” thông qua việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… Đồng thời, Agribank cũng đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ, nhiều hình thức tiện ích đối với khách hàng như cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp… triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.
Tới thăm và chúc Tết tại Agribank ngay trong ngày làm việc đầu tiên năm mới 2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến biểu dương những thành tựu mà tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức, người lao động Agribank đạt được trong thời gian qua với những nỗ lực mang tính bứt phá, đạt và vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng. Đồng thời, đánh giá cao vai trò của Agribank với việc tích cực triển khai mục tiêu xử lý nợ xấu trong năm 2017, đó là cơ sở quan trọng để Agribank giải quyết dứt điểm các bất cập, tồn tại, tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng “Tam nông”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần