Agribank tích cực đẩy nhanh chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những giải pháp trọng tâm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), tuân thủ theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 -2020 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước.

Tại Agribank, từ ngày 20/5/2020, ngân hàng đã chính thức phát hành rộng rãi trong toàn hệ thống thẻ chip nội địa không tiếp xúc chuẩn VCCS. Lãnh đạo Agribank cho biết, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng, vấn đề bảo đảm an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ được Agribank cũng như chủ thẻ đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, thẻ chip nội địa ra đời đã đáp ứng yêu cầu, gia tăng tính an toàn. 
Đồng thời, thẻ chip nội địa Agribank có thể tích hợp các ứng dụng dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với các ngành khác như: Giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục và dịch vụ công… Tại các ATM/CDM/POS của Agribank đã hoàn thành cập nhật tính năng chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa, quốc tế không tiếp xúc để hỗ trợ khách hàng giao dịch.
Trước đó, trong năm 2019, Agribank nằm trong danh sách 7 ngân hàng đầu tiên trên thị trường sẽ đồng loạt ra mắt thẻ ghi nợ nội địa (ATM) theo chuẩn chip EMV và tiến hành đổi thẻ cho người dùng. Agribank tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ thẻ sử dụng công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa tiện ích cũng như tăng tính bảo mật, tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm thẻ Agribank.

Ngân hàng Agribank là một trong những ngân hàng được bình chọn về mạng lưới phủ sóng trên khắp Việt Nam với ưu điểm nổi bật về dịch vụ cũng như chất lượng mang lại cho khách hàng. Đến 30/9/2020, Ngân hàng có trên 13,5 triệu thẻ đang hoạt động với doanh số thanh toán và doanh số sử dụng thẻ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020 lần lượt đạt trên 423 và 327 nghìn tỷ đồng. Agribank là một trong các ngân hàng hàng đầu trên thị trường thẻ Việt Nam, chiếm 17% thị phần ATM, 13% thị phần POS, 13% về số lượng thẻ đang lưu hành, đứng thứ 2 thị trường về doanh số sử dụng (12%), đứng thứ 3 về doanh số thanh toán thẻ (17%).

Năm 2020, do những khó khăn khách quan từ tác động của dịch Covid-19 và tình hình thiên tai, Agribank đã có những chính sách hỗ trợ khách hàng như giảm phí sử dụng dịch vụ thẻ. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech, trung gian thanh toán và việc đẩy mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo nên cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ thẻ, nên Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác trên thị trường đều chịu nhiều áp lực cạnh tranh và gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu dịch vụ thẻ.

Chính vì vậy, Agribank đã tập trung nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục duy trì, phát triển thị trường thẻ. Cụ thể, ngân hàng tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ tạo sự thuận lợi tối đa cho khách hàng trong sử dụng dịch vụ thẻ của Agribank.

Song song với đó, Agribank tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ thẻ sử dụng công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa tiện ích cũng như tăng tính bảo mật, tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm thẻ Agribank như: Phát hành thẻ phi vật lý (Vitural card) đối với thẻ ghi nợ nội địa, kết nối cổng thanh toán cho thẻ nội địa qua Napas, chức năng thay đổi hạn mức giao dịch thẻ, khóa thẻ trên Agribank E-Mobile banking...; Kết nối thanh toán với các trung gian thanh toán... nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong định hướng phát triển thời gian tới. Cùng với đó, công tác quản trị, phòng ngừa và xử lý rủi ro trong lĩnh vực thẻ tiếp tục được chú trọng và nâng cao hơn nữa, như cơ chế giám sát, cảnh báo rủi ro…

Hiện, Agribank đang triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn. Đề án này của Agribank được đánh giá có vai trò và ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của các cá nhân, hộ gia đình. Đồng thời, góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần