Agribank tiếp sức dòng vốn cho phát triển kinh tế Thủ đô

Thi Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, kinh tế Hà Nội liên tục tăng trưởng ở mức cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế, chính trị của cả nước.

Đồng hành trên chặng đường phát triển của Thủ đô, Ngân hàng Agribank nói chung và các chi nhánh Agribank trên địa bàn Hà Nội tự hào với sự đóng góp không nhỏ trong vai trò cung cấp tài chính tiếp sức dòng vốn cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
“Bệ đỡ” cho nông nghiệp Hà Nội

Sau nhiều năm phát triển, nông nghiệp vẫn được đánh giá là một trong những mũi nhọn kinh tế Thủ đô. Trong đó, về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, với mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao. Từ đó phát huy lợi thế về thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
  Khách hàng giao dịch tại Agribank.
Xác định vai trò chủ đạo trong việc cung cấp tài chính cho nông nghiệp, góp phần đưa nông nghiệp trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế Thủ đô, Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp về tiền tệ như: Nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, xây dựng nông thôn mới, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng. Tại Hà Nội, Agribank có 34 chi nhánh hoạt động, đến nay đã đầu tư 200.000 tỷ đồng cho phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô.

Agribank tập trung cho vay theo hướng đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đặc biệt, các tổ chức và cá nhân có dự án nông nghiệp công nghiệp cao phù hợp với quy định được vay bằng cả 2 hình thức là thế chấp và tín chấp. Trong đó, ngân hàng có hướng dẫn cụ thể về việc cho phép thế chấp giấy chứng nhận sử dụng đất, tài sản trên đất ruộng, đất rừng mà người dân, DN được giao. Đối với các dự án cho vay tín chấp sẽ được xem xét theo hiệu quả của từng dự án. Việc cho vay nông nghiệp ở Hà Nội đã giải quyết bài toán tổng về sản lượng cấp lương thực thực phẩm đủ tiêu dùng cho Thủ đô và các vùng lân cận.

Tính đến tháng 3/2021, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội 52.331 tỷ đồng với 88.776 khách hàng. Trong đó, cho vay qua tổ vay vốn với dư nợ cho vay đạt 2.872 tỷ đồng (với 34.888 thành viên, 2.389 tổ vay vốn), tỷ lệ nợ xấu 0,6%.

Đưa Hà Nội sớm về đích nông thôn mới

Với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn Hà Nội, đến nay dư nợ cho vay đạt 28.338 tỷ đồng với 73.306 khách hàng. Diện mạo nông thôn ở các huyện đang từng bước thay đổi, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch… Các giải pháp được ngân hàng triển khai như: Thực hiện việc phổ cập, giáo dục kiến thức tài chính cộng đồng, phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số…

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, đến 4/2021, toàn TP đã có 368/382 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và nhằm cụ thể hóa văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội và 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5-8%. Toàn TP có 100% các huyện, xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất một huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên... Đây cũng là cơ hội và thách thức đối với Agribank nói chung và các chi nhánh Agribank trên địa bàn Hà Nội nói riêng trong việc cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều ngân hàng khác trên địa bàn Thủ đô.

Khẳng định vai trò ngân hàng chủ lực đầu tư cho “Tam nông”, Agribank quyết tâm cùng Chính phủ, các ngành, các cấp, người dân và DN Thủ đô Hà Nội mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân, góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng NTM đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần