Agribank vẽ lên bức tranh khởi sắc cho nông thôn Việt Nam

Viết Chung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (26/3/1988 - 26/3/2018), với mục tiêu kiên định đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank luôn thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển “Tam nông” và dành trên 70% dư nợ đầu tư lĩnh vực này (chiếm trên 50% thị phần ngành Ngân hàng đầu tư nông nghiệp, nông thôn), có đóng góp tích cực xây dựng Nông thôn mới hiệu quả, bền vững, đem lại sự khởi sắc đối với diện mạo khu vực nông thôn Việt Nam.

Đến nay, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng NTM tại 8.937 xã trên tổng số 9.001 xã trong cả nước.
Xã 30a đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới
Tại Thanh Hóa, Ngọc Phụng không chỉ là xã đầu tiên của huyện Thường Xuân, mà còn là xã đầu tiên trong các huyện 30a của tỉnh đạt danh hiệu xã nông thôn mới (NTM).

Vốn là xã thuộc diện khó khăn ở huyện 30a Thường Xuân, sau khi được huyện chọn làm điểm xây dựng NTM, xã Ngọc Phụng xác định đây là “cú hích” để phát triển, xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Với sự quyết tâm nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân xã, cùng với sự “vào cuộc” tích cực của Agribank trong cung ứng vốn - yếu tố quan trọng đối với xây dựng NTM, đồng hành cùng người dân địa phương phát triển sản xuất kinh doanh, thoát nghèo vươn lên làm giàu, chung tay cùng xây dựng Nông thôn mới, xã Ngọc Phụng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Hệ thống cơ sở vật chất nông thôn được chỉnh trang, tu sửa, xây dựng khang trang, đẹp đẽ.

Trong đó, 100% đường giao thông liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đường giao thôn liên thôn, giao thông nội đồng được cứng hóa, đảm bảo đường liên thôn, xóm không còn bị ngập nước mùa mưa. Xã đã xóa bỏ nhà ở tạm bợ và các hộ dân xây nhà cao tầng, kiên cố hóa đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.

Trên địa bàn xã đã có 3 trong số 4 trường học đạt chuẩn quốc gia. 100% số hộ dùng điện sáng sinh hoạt, phương tiện nghe, nhìn… Ngày 3/12/2015, nhân dân và cán bộ xã Ngọc Phụng đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”.

Nói về vai trò của Agribank đối với quá trình xây dựng NTM tại Ngọc Phụng, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương xã khẳng định, đóng góp của Agribank hết sức to lớn. Ông Vũ Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng đưa ra sự so sánh rất cụ thể. So với thời điểm năm 2009, đến cuối năm 2017, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư của Agribank tại xã tăng 213%, với tổng dư nợ là 68 tỷ đồng và 843 hộ gia đình là bà con nhân dân xã đang sử dụng vốn vay Agribank.

Ông Nam khẳng định, nhờ có nguồn lực từ Agribank, xã mới bắt tay vào xây dựng NTM, đồng thời để quản lý nguồn vốn vay hiệu quả, luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và Agribank. Nợ xấu qua các đợt kiểm tra hầu như không có. Không có việc tổ trưởng xâm tiêu…
Chính từ sự tiếp sức của Agribank đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay, bà con trong xã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, có điều kiện góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhờ đó giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,6% vào năm 2010 xuống còn 4,12% vào năm 2017.

Ông Lê Xuân Đấu, Bí thư xã Ngọc Phụng cho biết thêm, mục tiêu vốn của Agribank đưa từ hộ trung bình lên hộ khá, hộ khá lên hộ giàu… gọi nguồn vốn Agribank là vốn làm giàu.

Thời gian tới, với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa… dư địa để Agribank đầu tư còn nhiều, đồng thời bày tỏ tin tưởng với sự đồng hành của Agribank, xã sẽ tiếp tục nhân rộng thành công các mô hình kinh tế hiệu quả, đưa các giống cây mới vào gieo trồng, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Để minh chứng cho “nguồn vốn Agribank là vốn làm giàu”, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng Vũ Ngọc Nam đã trực tiếp đưa chúng tôi đến thăm các mô hình làm ăn hiệu quả.

Tận mắt chứng kiến khu trang trại tổng hợp của gia đình bác Trần Văn Lập - Đỗ Thị Chín ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, sử dụng nguốn vốn vay Agribank để phát triển kinh tế, chúng tôi cảm nhận được thế nào là “vốn làm giàu”.

Từ thời điểm năm 1997, gia đình bác vay Agribank món nhỏ nhất là 500.000 đồng để phát triển kinh tế gia đình, rồi vay tăng dần lên 2 triệu đồng, 50 triệu đồng và gần đây nhất tháng 6/2017 vay Agribank (chi nhánh huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) 200 triệu đồng.

Bác Đỗ Thị Chín chia sẻ: “Nhờ đồng vốn của Agribank, tôi có thể phát triển từ nuôi gà, dê rồi trâu, lấy ngắn nuôi dài, đến nay gia đình tôi đã xây dựng được trang trại tổng hợp gồm cả gà, dê, trâu, tăng quy mô đàn và trồng được 10 ha keo, 10 ha luồng trên diện tích lên tới 25 ha. Hiện số tiền thu nhập toàn bộ mỗi năm khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình cho lãi khoảng 150 triệu đồng”.

Mô hình trang trại tổng hợp này thường xuyên sử dụng 10 lao động địa phương, còn lúc cao điểm sử dụng đến 30 lao động…

Còn gia đình bác Hoàng Văn Vinh ở thôn Hưng Long, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân phấn khởi khi nhờ nguồn vốn đầu tư của Agribank, con trai không phải đi làm ăn xa, cùng gia đình làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Bác Vinh chia sẻ: “Tôi không nhớ chính xác, có thể là năm 2000, thời điểm đầu tiên tôi vay vốn Agribank để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, khu vực này chuyên trồng mía cho nhà máy đường Lam Sơn và chuyên làm nông nghiệp. Từ tiềm năng này, gia đình tôi đã tích góp mua 1 máy cày cỡ nhỏ, nhưng không đủ công suất phục vụ nhu cầu, đến tháng 9/2017, tôi đã mạnh dạn vay 250 triệu đồng mua thêm 1 máy cày Kobuta 500 mã lực với ưu đãi 2 năm đầu vay không lãi suất, năm thứ 3 lãi suất 50% và vay trong vòng 5 năm.

Hiện, theo tính toán của gia đình, máy này có thể phục vụ 30 ha đất trồng lúa và 7,5 ha trồng màu. Nếu với giá hiện tại 300.000 tiền công/sào thì mỗi năm gia đình tôi sẽ thu được 225 triệu đồng, trừ chi phí có lẽ 2 năm gia đình sẽ hoàn trả được vốn. Người mệt mới nghỉ, chứ làm không hết việc”- bác Vinh phấn khởi chia sẻ.

Chứng kiến những mô hình sản xuất hiệu quả từ nguồn vốn Agribank, người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu, nhất là ở một xã 30a thuộc một trong bảy huyện miền núi của Thanh Hóa với điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội vốn nhiều khó khăn, thực sự là động lực khiến những cán bộ Agribank hoạt động tại địa bàn vùng sâu, vùng xa cố gắng nỗ lực, không ngại vất vả để đưa vốn kịp thời đến tận tay bà con nông dân.

Cho vay món vay nhỏ lẻ, một cán bộ tín dụng phụ trách trung bình 2-3 xã với khoảng trên dưới 1.000 hộ dân, nhưng các anh các chị không hề phàn nàn hay mệt mỏi, bởi có một niềm tin thường trực trong mỗi cán bộ Agribank đó là những đồng vốn ngân hàng đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả tại mảnh đất này.

Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng vào năm 2011, đến 31/12/2017, Agribank đã triển khai Chương trình xây dựng NTM đến hầu hết 100% xã (8.937 xã trên tổng số 9.001 xã) trên địa bàn cả nước theo chủ trương của Chính phủ, khẳng định vị thế hàng đầu hệ thống TCTD trong việc triển khai chương trình. Dư nợ cho vay xây dựng NTM đạt trên 372.000 tỷ đồng với trên 2,6 triệu khách hàng đang dư nợ. Các chi nhánh Agribank tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tây, Đồng Nai, Phú Thọ, Bình Phước, Đồng Tháp, Đắc Nông, Lâm Đồng triển khai rất mạnh Chương trình này

Giám đốc Agribank Thường Xuân Lê Xuân Nhiên cho biết, nguồn vốn Agribank tập trung phát triển sản xuất kinh doanh như chăn nuôi trâu, bò, lợn, trồng rừng, phát triển dịch vụ… Cho vay nhiều, chủ yếu cho vay hộ nhỏ lẻ nhưng nợ xấu chỉ rất ít 0.02%. Điều này có nghĩa là những đồng vốn của Ngân hàng đang bỏ ra được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

Giám đốc Agribank Thanh Hóa Trịnh Ngọc Thanh cho biết, hoạt động tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa rộng lớn, với quy mô 66 chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc, đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn Agribank Thanh Hóa đạt trên 24.000 tỷ đồng, dư nợ trên 30.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 92,6%/tổng dư nợ.

Bám sát Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, Agribank Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án mở rộng đầu tư vốn tín dụng về địa bàn nông thôn phục vụ chương trình xây dựng NTM. Kết quả cho vay thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2017 đạt trên 42.000 tỷ đồng, dư nợ đến 31/12/2017 là gần 20.000 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 30a, Quyết định 63,65,68; Nghị định 67 với dư nợ trên 1.000 tỷ đồng v.v…

Nguồn vốn Agribank đã góp phần tích cực vào kết quả xây dựng NTM của Thanh Hóa. Đến nay tại Thanh Hóa đã có 01 huyện “về đích” NTM, 241/573 xã đạt chuẩn NTM, một số xã địa bàn miền núi tuy chưa đạt chuẩn NTM nhưng đã xây dựng được 509 thôn, bản đạt chuẩn NTM.
 
Kiên định mục tiêu xây dựng Nông thôn mới bền vững

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh khẳng định, đầu tư xây dựng nông thôn mới tiếp tục là chương trình tín dụng trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020 của Agribank.

Theo đó, Agribank cam kết sẽ tiếp tục chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1 - 2%. Mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với 8 đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo từ quỹ phúc lợi và đóng góp của cán bộ, công nhân viên trong toàn hệ thống.

Với mong muốn để thực hiện hiệu quả mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Agribank mong muốn các “nút thắt” sớm được tháo gỡ như: Triển khai có hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Mặt khác, Nhà nước sớm có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nhằm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm ngay chính ở thị trường trong nước.

Đồng thời, phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng. Nông nghiệp là lĩnh vực có rủi ro thiên tai bất khả kháng cao, trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay, Nhà nước cần hiện diện trong lĩnh vực tái bảo hiểm các khoản vay lớn để hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cây trồng vật nuôi tạo điều kiện cho người nông dân.

Bên cạnh đó, mở rộng chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong nông nghiệp nông thôn, bởi thực tế tài sản trên đất nông nghiệp (như nhà xưởng sản xuất hay các hạng mục công trình ao cá) theo Luật Đất đai không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; Tài sản có giá trị như vườn cao su, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả lâu năm, công trình, nhà ở nông thôn… phần lớn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Xử lý tài sản thế chấp khó khăn, không có giá trị nhiều trong việc thu hồi vốn khi khoản vay gặp rủi ro…

Tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách các TCTD cũng cần được hưởng những ưu đãi của chính sách như các đơn vị sản xuất, kinh doanh như: ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất, chính sách thuế…

Nguồn vốn của Agribank cho vay xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và muối; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn…
Trong đó, trên 70% tổng dư nợ cho vay nông thôn mới dành cho đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nông thôn - là lĩnh vực có tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn. Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, giúp người dân tự vươn lên xoá đói giảm nghèo.
Ghi nhận đóng góp của Agribank, nhiều đơn vị, cá nhân của Agribank được Đảng, Chính phủ tặng bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích trong Chương trình "Cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Agribank được Đảng, Chính phủ ghi nhận là Doanh nghiệp có thành tích xuất sắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đổi mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần