Agribank: Xử lý nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu.

Hoạt động nghiệp vụ tại AgriBank chi nhánh Đông Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Xây dựng chương trình hành động cụ thể

Sau một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (NQ42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã giảm xuống còn khoảng 2%; riêng Agribank kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ này duy trì ở mức 1,98%.
Agribank có 141.000 tỷ đồng nợ xấu được phép xử lý theo NQ 42. Trong đó, nợ xấu nội bảng khoảng 18.000 tỷ đồng, nợ đã cơ cấu 36.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC 40.000 tỷ đồng, nợ xử lý rủi ro 42.000 tỷ đồng. Đến 15/8/2018, Agribank đã thu hồi và xử lý nợ xấu theo NQ này là 60.105 tỷ đồng, chiếm 36,32%/tổng số nợ còn phải xử lý, thu hồi. Trong đó: thu đã bán cho VAMC 5.515 tỷ đồng, chiếm 13,8% nợ đã bán (39.907 tỷ đồng); Thu nợ đã xử lý rủi ro 6.921 tỷ đồng, chiếm 14,8% nợ đã xử lý rủi ro (46.698 tỷ đồng). Thu và xử lý nợ xấu nội bảng 34.402 tỷ đồng, thu và xử lý nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ là 15.093 tỷ đồng…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, ngay sau khi có NQ 42 và Chỉ thị số 06/CT-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của toàn ngành về xử lý nợ xấu, Agribank là ngân hàng đầu tiên đưa ra Chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, quyết liệt. Đồng thời tổ chức Hội nghị toàn hệ thống để quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo, cũng như triển khai những cơ chế để xử lý nợ xấu.

Trong đó, chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường cán bộ hỗ trợ các chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu cao. Các đoàn công tác do các thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban điều hành trực tiếp phụ trách được phân công làm việc tại từng chi nhánh, thực hiện phân tích từng khoản nợ có vấn đề, làm việc với từng khách hàng để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nguồn thu trả nợ ngân hàng, quyết định phương án xử lý nợ đảm bảo hài hòa lợi ích, từ đó động viên khách hàng hợp tác trả nợ vay.

Quyết tâm xử lý triệt để

Với mục tiêu gắn xử lý nợ xấu với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, nên, trong các phương án xử lý nợ của Agribank có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng. Đồng thời, với khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, đã bán... nay có nguyện vọng, khả năng và điều kiện khôi phục sản xuất, từng bước tạo nguồn trả nợ ngân hàng. Đây có thể coi là chính sách ưu đãi với khách hàng đang có nợ xấu…

Mặc dù vậy, theo ông Khánh, để việc triển khai NQ 42 đạt hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh như: Quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quá trình tố tụng thi hành án, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo…

Chuẩn bị tổng kết giai đoạn I thực hiện Đề án tái cơ cấu, Agribank đang hoàn thiện chiến lược kinh doanh 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030, đặt mục tiêu xây dựng ngân hàng phát triển ổn định, vững chắc theo hướng NHTM hiện đại, sẵn sàng thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ. Chủ tịch Agribank nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra đối với Agribank lúc này là quyết liệt cùng ngành ngân hàng xử lý nợ xấu và ngăn ngừa nợ xấu quay lại thời gian tới, đặc biệt tập trung tối đa mọi nguồn lực để xử lý thu hồi nợ sau xử lý nhằm tăng năng lực tài chính trước khi cổ phần hóa, quyết liệt sử dụng đồng bộ các giải pháp để xử lý thu hồi nợ đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra.