Bầu Hiển đến với bóng đá muộn hơn khá nhiều ông chủ khác. Chất Nghệ là điều ông rất kết, nên SLNA chính là cái đích đầu tiên của ông chủ kín tiếng này tìm đến. Mãi đến khi biết không thể ôm được SLNA, ông vẫn quyết định mua lại lò đào tạo của anh em nhà Văn Sỹ ở Cửa Lò. Đã nhiều lần ông chia sẻ, với những môn thi đấu đối kháng, người xứ Nghệ luôn có một tinh thần mạnh mẽ, quyết thắng, đó là điều mà ông thích.
Đi sau, về trước
Hà Nội T&T là đội bóng Việt Nam đầu tiên lập kỷ lục, mỗi năm thăng 1 hạng. Nhưng tại V.League 2009 tân binh Hà Nội T&T thi đấu bết bát và đầy bế tắc. Kết thúc giai đoạn lượt đi, CLB Hà Nội T&T thi đấu không thuyết phục và đứng cuối bảng xếp hạng.Để cứu đội bóng, bầu Hiển đành sa thải HLV Triệu Quang Hà và mời Hữu Thắng- một nhà cầm quân xứ Nghệ ra Thủ đô điều binh khiển tướng.
HLV Hữu Thắng đã chèo lái con thuyền sắp đắm, cán đích thứ 4 của mùa giải. Điều này càng làm ông thích chất Nghệ trong bóng đá, từ HLV đến cầu thủ, đặc biệt là khán giả. Điều ông càng mê mẩn hơn khi Hà Nội T&T dù có trả lương bao nhiêu thì Hữu Thắng cũng chỉ nói lời cám ơn mà không nhận lời ở lại.
1 thập kỷ nay Hà Nội đang trở thành thế lực hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Ảnh VPF |
Giai đoạn đầu tham gia V.League, khi công tác đào tạo trẻ của Hà Nội chưa vào khuôn khổ thì đội Hà Nội T&T đành phải vào Vinh mượn quân nên nhiều khi đội bóng Thủ đô được coi là “SLNA phiên bản 2”. Công Vinh, Hồng Tiến, thủ môn Dương Hồng Sơn là những người nổi tiếng có mặt sớm nhất đầu quân cho đội bóng của bầu Hiển.
Chính bầu Hiển cũng từng nói mô hình bóng đá của Sông Lam Nghệ An là mô hình ông muốn hướng tới khi bắt đầu đầu tư vào Hà Nội thì đây cũng là điều dễ hiểu. Việc bầu Hiển mời cựu tiền đạo Văn Sỹ Hùng ra Hà Nội làm Giám đốc trung tâm đào tạo trẻ…cho thấy ông định hướng chiến lược khá rõ.
Lịch sử 2 đội bóng có khá nhiều ân oán. Đầu tiên phải nhớ đến cú vào bóng của cả Huy Hoàng và Samson mùa giải 2012 trên sân Vinh. Trung vệ nổi tiếng đá rắn Huy Hoàng lao vào bằng cả 2 chân nhắm thẳng vào ống đồng của Samson bên cánh trái của SLNA. Nhưng đúng là "kẻ cắp gặp bà già", Samson còn nhanh hơn thế khi nhấc chân lên và hạ xuống đạp thẳng vào mặt Huy Hoàng khiến cầu thủ này bất tỉnh rời sân. Còn khán giả 2 đội cũng chả ai nhớ đến tỷ số 2-2. Cũng mùa bóng này, ngay trên sân Hàng Đẫy SLNA đã giã cho Hà Nội 6-2, trận thua đậm nhất trong lịch sử của đội bóng.
SLNA có cản được Văn Quyết trong lễ sinh nhật lần thứ 14 (18/6/2020). Ảnh VPF |
Gió đã xoay chiều
Phải đến ngày 9/8/2015 trong lần gặp gỡ thứ 14 thì Hà Nội mới có được chiến thắng đầu tiên do công của chính Hoàng Vũ Samson. Kể từ mùa giải đó đến nay, Hoàng Vũ Samson miệt mài ghi bàn vào lưới SLNA và hễ anh ta có bàn thắng là y như đội bóng xứ Nghệ trắng tay. Năm ngoái, Hà Nội đã khiến SLNA thua ê chề 4 bàn không gờ trong thế trận 1 chiều, hễ chủ nhà muốn là bàn thắng lại đến.
Số phận 2 đội bóng giờ đã thay đổi, 1 thập kỷ nay Hà Nội đang trở thành thế lực hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Trong khi đó, SLNA đang ăn đong từng ngày, ngay cả những người cầm lái đã ngoài 70 những vẫn không tìm được người thay thế, tài chính thì èo uột.
Đã 2 mùa giải gần đây, SLNA là đội bóng đầu tiên của V.League chứng kiến “những đứa con của bầu Hiển” lên ngôi. Nói một cách khác, chiến thắng trước các cầu thủ xứ Nghệ đã giúp cho thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm đủ điểm vô địch V.League. Hoàng Vũ Samson đã ra đi, nhưng Rimario một cầu thủ có lối đá tương tự đã đến. Và trong lễ sinh nhật lần thứ 14 (18/6/2020) của mình, chủ nhà Hà Nội lại được tiếp đón đối thủ nhiều duyên nợ.
Sâm-banh đã chuẩn bị sẵn, không biết thầy trò HLV Quang Trường có đủ sức ngăn cản Văn Quyết, Rimario tưng bừng trong ngày vui hay không?