Ai được lợi từ cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đảo chính bất thành xảy ra hồi cuối tuần trước tưởng sẽ đe dọa quyền lực của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trái lại, sự kiện này lại trở thành cái cớ để ông Erdogan dễ dàng thực hiện các bước đi nhằm thanh trừng thành phần chống đối, củng cố quyền lực.

Cơ hội củng cố quyền lực

Trong bài phát biểu trước người ủng hộ Istanbul ngay đêm đảo chính, ông Erdogan đã “hứa hẹn” sẽ có một cuộc thanh lọc quân đội sau sự kiện này. Ngay tại thời điểm đó, nhiều nhà quan sát đã e ngại, với chính sách “bàn tay sắt” của ông Erdogan, cuộc thanh lọc có khả năng trở thành cuộc thanh trừng đẫm máu và hủy hoại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đúng như dự đoán, chưa đầy một tuần sau cuộc đảo chính, 60.000 người thuộc các lực lượng quân đội, thẩm phán, tư pháp, dịch vụ dân sự và giáo dục đã bị bắt giữ. Nhưng người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tuyên bố, cuộc thanh trừng vẫn chưa dừng lại.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Hôm thứ Tư (20/7), ông Erdogan tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài trong 3 tháng, dự báo cuộc thanh trừng sẽ ngày càng khốc liệt hơn nữa bởi tình trạng khẩn cấp sẽ trao toàn quyền cho Tổng thống, đưa ông Erdogan “vượt mặt” cả Quốc hội để quyết định thông qua các luật mới hay hạn chế các quyền tự do nếu thấy cần thiết.

Điều này vẽ nên viễn cảnh đáng sợ về tình trạng siết chặt quyền tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ và sự độc tài của ông Erdogan sẽ khiến Akara chìm trong cuộc “trả đũa” đẫm máu nhất.

Ngày 21/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tuyên bố, quân đội nước này sẽ sớm được tái cấu trúc và chắn chắn sẽ có “đổ máu”.

Nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ đã lên tiếng quan ngại về những phản ứng quá nhanh và thiếu kiểm soát của người đứng đầu quốc gia. Bởi số lượng 60.000 người bị bắt giữ chỉ trong chưa đầy một tuần là quá nhiều. Bên cạnh đó, không chỉ lực lượng quân đội, an ninh, công tố viên mà giới học giả cũng bị cấm xuất cảnh vì Ankara không muốn bỏ sót bất cứ thành phần chống đối nào.

Cao ủy Liên Hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra’ad Al Hussein đã cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng bắt giữ trên diện rộng và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các nhà quan sát độc lập đến gặp những người bị bắt giữ. Tuy nhiên, ông Erdogan bác bỏ tất cả. Đồng thời cho rằng, châu Âu “không có quyền chỉ trích” quyết định áp dụng tình trạng khẩn cấp của ông.

Chuyển bại thành thắng

Không chỉ là cơ hội siết chặt an ninh theo ý muốn, cuộc binh biến bất thành này còn là cơ hội để Ankara bộc lộ thái độ đối với đồng minh. Thổ Nhĩ Kỳ đang vin vào việc Mỹ không đáp ứng yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen - người bị giới chức nước này cáo buộc là đứng sau vụ đảo chính để “nhắc khéo” về vị trí đối tác kiểu mẫu của 2 nước. Ankara cũng quyết định không cho phép máy bay tấn công của Mỹ trong chiến dịch không kích mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria tiếp cận căn cứ không quân tại nước này, làm thiệt hại lớn đến nỗ lực chống khủng bố.

Động thái này gây bất ngờ bởi từ trước đến nay, Mỹ - Thổ luôn được coi là đồng minh kiểu mẫu. Tuy nhiên, toàn bộ những động thái này dường như lại phù hợp đến kỳ lạ với động thái mong muốn “làm lành” với Nga ngay trước cuộc đảo chính. Như vậy, sau tất cả, vụ đảo chính bất thành đã được ông Erdogan tận dụng thành công, chuyển bại thành thắng và được lợi nhiều nhất khi vừa củng cố được quyền lực, vừa thể hiện được thái độ với các nước cần “lấy lòng”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần