Ai kiểm soát khi bỏ HĐND cấp quận?

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập trung hóa quyền lực để bộ máy quản lý đô thị “chạy” nhanh hơn đang là một đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên, việc triển khai cần thận trọng, làm từng bước phù hợp thực tế và phải có thiết chế kiểm soát thay vị trí của HĐND để tránh tạo cơ hội cho tha hóa quyền lực, tham nhũng và lợi ích nhóm.

Quang cảnh buổi họp HĐND quận Thanh Xuân tháng 12/2019. Ảnh: Hồng Thái
Không có cơ quan giám sát thì cần thiết chế để kiểm soát
Theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 và Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH, từ 25/4/2009 nước ta thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường trên địa bàn của 10 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Chính sách thí điểm nói trên chỉ tồn tại gần 7 năm do vướng vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, hiệu lực từ 1/1/2016. Theo Luật, các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có 3 cấp chính quyền, mỗi cấp chính quyền bao gồm HĐND và UBND.
Sau gần 4 năm bỏ thí điểm, mô hình chính quyền không có HĐND được tái thí điểm. Theo đó, ngày 27/11/2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội không có HĐND phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ngày 16/5, tại phiên họp 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị không có HĐND cấp quận, phường của TP Đà Nẵng để trình Quốc hội thông qua. TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực hoàn chỉnh đề án mô hình chính quyền đô thị như Đà Nẵng để sớm trình T.Ư.
Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị không có HĐND với kỳ vọng tái cấu trúc bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ người dân đô thị tốt hơn. Trên thực tế tại các đô thị lớn, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm cho vị trí, vai trò của tổ chức HĐND cấp quận, phường hết sức mờ nhạt, hoạt động mang tính chất hình thức. Theo nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận 4, TP Hồ Chí Minh Võ Trọng Dần, hoạt động kém hiệu quả của cơ quan HĐND cấp phường, quận do nó không có thực quyền, do cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm và hạn chế năng lực.
Tuy nhiên, việc Quốc hội đang ủng hộ để các tỉnh, thành tái thí điểm bỏ HĐND cần thận trọng. Ông Dần ví von “một người vào một cơ quan có anh bảo vệ gác cổng đương nhiên là né, còn nếu không có anh bảo vệ đó người ta tự do tung hoành”. HĐND là cơ quan giám sát hoạt động của UBND cùng cấp, nếu không còn HĐND, hoạt động điều hành của UBND có thể rất dễ dẫn tới lạm dụng, tùy tiện khi tập trung hóa tuyệt đối quyền lực vào Chủ tịch UBND quận, phường. Chính vì vậy, việc triển khai cần làm từng bước phù hợp thực tế và phải có thiết chế kiểm soát thay vị trí của HĐND.
Cân nhắc kỹ, triển khai thận trọng
HĐND có nhiều chức năng theo luật định, trong đó chức năng đại diện người dân, bảo vệ quyền lợi người dân và chức năng giám sát là quan trọng nhất. Việc sẽ thí điểm bỏ HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 của 3 địa phương nói trên rõ ràng mô hình thí điểm bỏ HĐND cấp phường của TP Hà Nội là thực tế hơn cả. Bởi khi không còn HĐND phường thì HĐND quận/thị xã có thể bao sân thực hiện chức năng thay HĐND phường trước đó.
Còn nếu bỏ cả HĐND phường và HĐND quận như đề án thí điểm của TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với lý lẽ cho rằng HĐND TP đủ sức làm thay chức năng của HĐND quận, HĐND phường trên địa bàn dường như có quá tham vọng? Nên nhớ, chính quyền đô thị một cấp đứng đầu là thị trưởng do dân bầu là mô hình quản trị đô thị hiện đại, văn minh đã tồn tại từ lâu tại nhiều quốc gia có chế độ chính trị dân chủ. Việc học tập mô hình đó là cần thiết nhưng hiện tại đang mâu thuẫn với chế độ chính trị ở Việt Nam. Đành rằng đây mới là thực hiện đề án thí điểm, chưa phù hợp sẽ dừng lại nhưng nếu dừng cũng để lại nhiều hệ lụy có cần cân nhắc không?
Mô hình chính quyền đô thị một cấp đã được thí điểm gần 7 năm (2009 - 2015) và thực tế vận hành trôi chảy tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, có lẽ đó cũng chỉ dừng lại dưới dạng ý kiến một số cá nhân. Chưa có văn bản tổng kết đánh giá đầy đủ, có cơ sở khoa học được tiến hành bởi một cơ quan nghiên cứu độc lập về kết quả thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp tại hai TP này.
Hàng chục năm qua, TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh là những địa bàn có tình hình phức tạp về quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, quản lý tài chính - ngân sách. Đây cũng là những địa phương có danh mục lãnh đạo, quan chức “nhúng chàm” bị kỷ luật, truy tố xét xử nhiều nhất về vi phạm trong quản lý đô thị. Thực tế đó đang đòi hỏi TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh phải chấn chỉnh lại vai trò giám sát của HĐND TP và HĐND quận, huyện. Làm cho HĐND ở hai cấp này đủ thực quyền chứ không phải đề xuất bỏ HĐND cả cấp phường và cấp quận.
TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực hoàn thành đề án xây dựng TP phía đông trên cơ sở gộp 3 quận hiện tại là quận 2, 9 và quận Thủ Đức theo mô hình chính quyền TP trong TP mà Luật Chính quyền địa phương đã quy định. Tuy gọi là mô hình TP trong TP nhưng thực chất nó là đơn vị hành chính tương đương cấp quận. Nghĩa là nếu thực hiện đề án chính quyền đô thị một cấp thì TP phía đông này cũng không có HĐND. TP phía đông sau khi hình thành dự kiến có tổng diện tích tự nhiên hơn 210 km2 và dân số trên 1,1 triệu người, tương đương dân số của TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế và cao hơn dân số tại 23 tỉnh khác. Tốc độ đô thị hóa tại đây sẽ rất cao và quản lý đô thị sẽ phức tạp hơn nhiều. Liệu với một địa bàn như vậy nhưng chỉ đặt dưới sự quản lý bởi UBND TP tương đương cấp quận không có HĐND kiểm soát có dẫn tới tiêu cực nhiều hơn tích cực?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần