Từ 6 giờ sáng, đoàn chúng tôi nhanh chóng tập trung tại trụ sở báo Quảng Bình (TP Đồng Hới) để chuẩn bị quà mang đến ủng hộ bà con tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Đây là hai huyện bị ngập lụt nặng nhất trong cơn “đại hồng thủy” vừa qua.
Anh em cán bộ, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị và báo Quảng Bình, đại diện các nhà hảo tâm (Công ty May 10, Công ty Việt Chào, Công ty SM) xắn tay gói hàng trăm suất quà chất lên xe. Trời Quảng Bình se lạnh nhưng ai cũng mướt mồ hôi vì khẩn trương với công việc. Sau bữa sáng nhanh gọn bằng món cháo canh ở thị trấn Quán Hàu, đoàn chúng tôi lên xe về thôn Trường Dục (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Nhà báo Lại Bá Hà - Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị trao quà cho bà con Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. |
Về Hiền Ninh đi qua những cánh đồng làng còn đậm mùi mưa lũ. Xóm làng xác xơ lần lượt hiện ra trước mắt. Con đường bê tông dẫn đến Nhà văn hóa thôn Trường Dục sục bùn non. Người dân đã tập trung đợi đoàn chúng tôi. Xe tải không vào được sân, người dân cùng cán bộ thôn hỗ trợ chúng tôi vận chuyển hàng hóa.
Phó Tổng biên tập báo Kinh tế&Đô thị Lại Bá Hà cùng các nhà trài trợ trao quà tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. |
Cầm trên tay suất quà gồm các nhu yếu phẩm và 500.000 đồng tiền mặt, bà Võ Thị Hà (60 tuổi) chia sẻ: “Dì cảm ơn đoàn từ thiện nhiều lắm. Bà con trắng tay vì trận lụt quá to vừa rồi nên bây giờ có nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ gì mừng đó”. Nhà bà Võ Thị Hà có 5 người, kinh tế phụ thuộc vào mấy sào ruộng ngoài đồng và chăn nuôi thêm con lợn, bầy gà. Đêm nước lụt dâng cao lên tận mái nhà, chồng đi làm vắng, bà Hà chỉ kịp đóng cửa rồi cùng con cháu chạy thoát thân. Nước rút trở về thì đồ đạc trôi mất, thứ còn lại hư hỏng. Mấy tạ lúa lo cái ăn cho cả gia đình cho vụ mùa mới đã bị nước ngâm chua ẩm, mọc mầm.Cùng đoàn trao gửi 100 suất quà đến với bà con vùng lũ Quảng Bình, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà chia sẻ: “Của ít lòng nhiều, đây là tấm lòng của cán bộ, nhân viên báo Kinh tế & Đô thị và các nhà hảo tâm nhằm chia sẻ khó khăn với bà con. Chúc bà con thật nhiều sức khỏe, vụ mùa sắp tới bội thu để sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.
Không riêng gì bà Hà, cả thôn Trường Dục và hàng ngàn hộ dân ở Quảng Bình cũng bị ngâm trong trận lụt lịch sử, mà theo các vị cao niên là “chưa bao giờ thấy nước to như thế".
Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà đại diện đoàn trao quà cho Trường THCS Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. |
Rời thôn Trường Dục, đoàn chúng tôi nhanh chóng đến với vùng lụt huyện Lệ Thủy, để trao 200 suất quà cho bà con. Địa điểm chúng tôi đến là xã Lộc Thủy, nơi ngập lụt sâu nhất tỉnh Quảng Bình. Đi qua thị trấn Kiến Giang, dấu tích do cơn “đại hồng thủy” càn quét còn mới tinh, hoang tàn, ngổn ngang. Đâu đó nơi trung tâm huyện lỵ này, những chiếc thuyền người dân sử dụng chạy lụt bỏ chỏng chơ. Đến đâu cũng thấy người dân lo khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trên đường từ thị trấn Kiến Giang về xã Lộc Thủy, những cánh đồng vẫn ngập trong nước, nhiều tuyến đường liên thôn đang chia cắt. Một đồng nghiệp của tôi tặc lưỡi: “Trắng trời Lệ Thủy”. “Ừ, đúng là nước vẫn còn trắng trời Lệ Thủy, nhưng nếu thử tưởng tượng đến mực nước lên tận ngọn tre bên kia đường chúng ta đang đi thì kinh khủng đến mức nào”, tôi đáp lời đồng nghiệp.
Đi qua một đoạn dọc bờ sông Kiến Giang, chúng tôi đến trụ sở UBND xã Lộc Thủy. Dòng Kiến Giang nước vẫn đục ngàu vì chở nặng phù sa, nhưng hôm nay đã hiền hòa. Người dân đứng đợi chúng tôi tự bao giờ. Lực lượng cán bộ xã Lộc Thủy cũng sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi bốc hàng trao cho bà con. Những suất quà mà chúng tôi sẻ chia với bà con Lộc Thủy vẫn nhu yếu phẩm cùng 500.000 đồng.
Đại diện báo Kinh tế & Đô thị và báo Quảng Bình trao quà cho người dân tại Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. |
Chợt nghĩ đối với thiệt hại của bà con thì chừng đó sự hỗ trợ từ chúng tôi chẳng thấm tháp vào đâu. Nhưng thực tế, bà con quý lắm. Ông Nguyễn Đăng Lực (thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy) nói: “Sống hơn đời người cạnh con sông Kiến Giang ni nhưng lần đầu tiên tui thấy nước lụt to và ngâm lâu như rứa. Nhà ai cũng lút mái, chỉ kịp chạy thoát thân chứ của cải còn chi mô. Các đoàn từ thiện về đây cũng nhiều, bây giờ ai cho gì dân cũng quý chú ơi’.
Đến với xã Lộc Thủy, đoàn chúng tôi đã trao tặng phòng máy tính trị giá 100 triệu đồng cho trường THCS Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy). Đây là món quà trường THPT Kim Liên (TP Hà Nội) trao gửi. Ngoài ra, hơn 1.000 cuốn vở, quần áo học sinh, dụng cụ học tập do trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) gửi tặng cũng đã được trao cho trường THCS Lộc Thủy.
Đón nhận tấm lòng quý giá từ Thủ đô, cô Phạm Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường THCS Lộc Thủy xúc động nói: “Lũ lụt làm cơ sở vật chất nhà trường hư và trôi hết. Hôm nay nhận được món quà hỗ trợ của đoàn, nhà trường rất mừng. Đây là món quà vô cùng quý giá với thầy cô, học sinh trường THCS Lộc Thủy để chúng tôi sớm khắc phục khó khăn, sớm ổn định công tác dạy học”.
Ông Bùi Hữu Tứ - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy cho biết, thiệt hại của bà con trên địa bàn quá lớn, thời gian đến nguy cơ dân thiếu đói rất cao. Trước mắt, UBND xã Lộc Thủy đã đề xuất cấp trên hỗ trợ lúa giống cho vụ mùa sắp tới, cũng như các loại hạt giống khác để bà con gieo trồng. Về công tác hỗ trợ khẩn cấp cho người dân Lộc Thủy lúc này, ông Tứ cho hay: “Những ngày qua nhiều đoàn cứu trợ đã về với bà con. Hiện lương thực thực phẩm cơ bản ổn định, bà con thực sự cần tiền mặt nhiều hơn để mua sắm vật dụng sửa sang nhà cửa”.
Chia tay vùng lũ lụt Quảng Bình để tiếp tục hành trình vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, chúng tôi ai cũng còn nhiều trăn trở với bà con đồng bào miền Trung. Và nhớ mãi, cứ mỗi suất quà trao đi chúng tôi nhận lại hai tiếng cảm ơn từ đồng bào. Sao thấy ấm lòng!