Ấm lòng Tết Việt trên quê hương Thành Cát Tư Hãn

Lê Chiên (từ Ulan Bator)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm Tết đến, xuân về cộng đồng người Việt tại Mông Cổ lại trở về Đại sứ quán Việt Nam ở Thủ đô Ulan Bator để hội tụ, đoàn viên. Tết đã biến người Việt nơi đây thành một gia đình lớn và Đại sứ quán là ngôi nhà chung.

So với các nước châu Âu, Mông Cổ gần Việt Nam hơn, nhưng vì không có đường bay thẳng và đường biển nên việc vận chuyển hàng hóa rất vất vả. Hơn nữa số lượng người Việt ít vì thế dịch vụ hàng hóa tiêu dùng cho người Việt cũng không phát triển; để mua được gói bột canh hay chai nước mắm Phú Quốc… không dễ. Do vậy để có một cái Tết mang hương vị truyền thống của Việt Nam thì Đại sứ quán và bà con người Việt ở Mông Cổ phải vô cùng nỗ lực.

“Hành trình vạn lý” của bánh chưng xanh…

Chia sẻ với chúng tôi, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Đoàn Thị Hương cho biết, cộng đồng người Việt tại Mông Cổ phần lớn là người lao động làm nghề sửa chữa ô tô, cuộc sống tương đối khó khăn. Để bà con được hưởng cái Tết đầm ấm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại sứ quán. Có rất nhiều thứ phải lo, từ lịch, quà, đến gạo nếp, đỗ xanh, măng miến, mộc nhĩ…mấy tạ hàng hóa chuyển từ Việt Nam sang Mông Cổ là không hề đơn giản. “Chiến dịch” chuẩn bị Tết được khởi động ngay từ đầu tháng 9.
 Dưới bàn tay điệu nghệ của Nguyễn Thanh Hà (áo đen) những hạt gạo nếp, đỗ xanh …đã thành những tấm bánh chưng vuông vắn
“Các radar đều hoạt động hết công suất” để nắm thông tin. Khi biết một doanh nghiệp sắp có chuyến hàng từ Việt Nam về Mông Cổ, chúng tôi liên hệ, đặt vấn đề gửi hàng. Sau đó điện về nước nhờ anh em, bè bạn mua sắm, đóng gói; chuyển đến ga Giáp Bát (Hà Nội), “ké” vào container. Hành trình từ ga Giáp Bát đến Nam Ninh (Trung Quốc) rồi về Mông Cổ mất hơn 2 tháng những hạt gạo nếp mới đến tay chúng tôi. “Suốt thời gian đó chúng tôi phấp phỏng lo gạo bị ẩm mốc; khi nhận hàng việc đầu tiên là kiểm tra thùng gạo, đỗ thấy mùi gạo nếp tỏa ra thơm lừng mà nhẹ cả người” – bà Hương nói.

“Vấn đề nan giải nhất là lá dong. Mang sớm thì sợ hỏng. Nhưng làm thế nào để có lá dong gói bánh vào thời điểm cận Tết là một bài toán khó. May mắn cuối tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ sang dự hội nghị APPF – 26 tại Hà Nội, tôi “nói khó” với mấy anh trong đoàn chuyển giúp, thế là từ giò lụa, giò bò, lá dong, lạt buộc …lên máy bay sang Mông Cổ. Đến nay, mọi thứ gần như hoàn hảo chỉ còn đợi giờ G”- bà Hương vui vẻ nói.
 Những người Việt tại Mông Cổ tình nguyện đến ĐSQ làm cỗ chuẩn bị cho buổi liên hoan vui Tết, đón xuân
…Và những tình nguyện viên

Được biết Đại sứ quán chuẩn bị tổ chức liên hoan vui Tết, đón xuân rất nhiều anh chị em người Việt điện đến hỏi thăm và đề nghị được đến đóng góp công sức.

Anh Nguyễn Thanh Hà, (thợ sửa chữa ô tô tại Ulan Bator, quê ở Thuận thành Bắc Ninh) ngỏ lời với Đại sứ “cháu xin chân gói bánh chưng”. Nhìn dáng vẻ nho nhã của Hà, tôi hơi nghi ngại bảo, lá dong mang được sang đây là quý lắm, nhỡ tay là hỏng Tết đấy. Nở nụ cười rất hồn nhiên, Hà nói “chú yên tâm đi, có năm cháu đã gói hàng ngìn tấm bánh chưng để bán rồi”, và Hà khẳng định như đinh đóng cột “hỏng cháu bay về Việt Nam mang sang đền chú”.

Và hôm nay, cơ quan Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ vui như Tết. Người thái thịt, người gói nem, người cắt lá dong…tiếng cười nói râm ran. Vừa làm, mọi người vừa hỏi thăm nhau về chuyện nhà cửa, công việc, quê hương…mùi thịt lợn ướp hành quyện với lá dong thơm phức – tôi thấy Tết đã đến rất gần. Cảm giác ấm áp gần gũi thân thương đến lạ kỳ xuất hiện trong tôi; tôi bỗng nhớ đến không khí rộn rã chiều 30 Tết trong những căn nhà ở ngôi làng ven biển Nam Định quê tôi …

Tôi đã có nhiều trải nghiệm với cuộc sống của người Việt ở nhiều nước. Ở đâu tôi cũng thấy người Việt cần cù, chịu khó và rất đa năng, đặc biệt rất khéo trong việc bếp núc. Từ đậu phụ, nem chua, giò chả…ai cũng làm được. Bát phở tự tay họ nấu ra tỏa mùi thơm phức không kém gì phở Thìn, phở Cồ Cử ở Hà Nội. Và người Việt tại Mông Cổ cũng thế. Nhìn Hà gấp lá gói bánh chưng và chị em phụ nữ cuốn nem thoăn thoắt không khác gì những đầu bếp chuyên nghiệp. Nhưng trên hết là cảm phục tấm lòng của họ. Những người đến giúp sứ quán làm cỗ đều là chủ hoặc là công nhân trong các xưởng sửa chữa ô tô. Mặc dù rất bận, nhưng họ sẵn sàng gác lại công việc của mình để đến sứ quán tham gia, góp sức.
 Chị Lê Thị Thúy vừa rán nem, vừa nói vui: ''Chồng cháu hôm nay phải bàn giao xe cho khách, chứ không cháu cũng ''lôi'' đến đây làm.''
Vợ chồng chị Lê Thị Thúy là chủ một xưởng sửa chữa ô tô ở Ulan Bator, mặc dù có con nhỏ, nhưng chị Thúy có mặt từ rất sớm. Tôi nói vui, bỏ nhà đến đây không sợ ông xã à? Nở nụ cười tươi, Thúy bảo, chồng cháu hôm nay phải bàn giao xe cho khách, chứ không cháu cũng “lôi” đến đây làm. Thấy tôi nói vậy, anh Hà góp chuyện, “cả năm mới có ngày Tết, đến đây được gặp gỡ người Việt mình, làm những món ăn truyền thống quê hương vừa vui, vừa vơi đi nỗi nhớ quê hương là “có lãi” rồi chú ạ”.

Nói đến đội ngũ tình nguyện viên, không thể không kể đến Hội Sinh viên. Dù chỉ có 6 em, nhưng những sinh viên Việt Nam tại Mông Cổ luôn là đội quân chủ lực trong các sự kiện do Đại sứ quán tổ chức. Từ nấu ăn, phục vụ lễ tân, đến tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao các em đều có mặt. Thật vui khi nghe Trần Văn Phước, Bí thư Đoàn Hội Sinh viên nói “Đối với sinh viên chúng cháu, đây là trách nhiệm”.

Mái ấm gia đình Việt

Đó là cách gọi của người Việt tại Mông Cổ mỗi khi nói đến Đại sứ quán Việt Nam tại mông Cổ. Nhận được giấy mời của Đại sứ quán về dự liên hoan Tết, anh Nguyễn Mạnh Đạt (ở tỉnh Darkhan, cách Ulan Bator hơn 400 km) mừng lắm. Anh kể, nơi anh sinh sống chỉ có mình anh là người Việt; ở Mông Cổ nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên anh được mời đến dự Tết với cộng đồng người Việt. Những năm trước đây, mỗi khi Tết đến lòng dạ lại bồn chồn, càng nhớ về gia đình, quê hương…nhiều khi cũng thấy chạnh lòng. Được sống trong không khí Tết với cộng đồng người Việt, được ăn những món ăn truyền thống Việt Nam còn gì vui hơn thế.
Đại sứ Đoàn Thị Hương (áo đỏ) giới thiệu mâm cỗ ngày Tết và phong tục nghi lễ Tết của Việt Nam cho phóng viên Đài truyền hình trung ương Mông Cổ
Còn anh Vương Đình Ba chủ xưởng sửa chữa ô tô ở Ulan Bator xúc động chia sẻ: “Đại sứ quán tổ chức liên hoan vui Tết, đón xuân là dịp để bà con người Việt được gặp nhau chia sẻ vui, buồn nên mọi người ai cũng mong ngóng, đón chờ. Mùi lá dong thơm nức tỏa ra từ tấm bánh chưng trên mâm cỗ; nghe những bài hát về mùa xuân; nói tiếng Việt và gặp những gương mặt thân quen rạng rỡ nụ cười…ai cũng có cảm giác như trở về với mái nhà của mình. Ấm áp vô cùng.”

Mang tâm sự này đến với Đại sứ Đoàn Thị Hương, bà Hương cho biết, cộng đồng người Việt tại Mông Cổ không nhiều và cuộc sống cũng khó khăn. Tuy nhiên trách nhiệm, tấm lòng của họ với quê hương, đất nước là rất đáng ghi nhận. Mỗi lần Đại sứ quán phát động phong trào ủng hộ đồng bào ta ở trong nước bị thiệt hại do lũ lụt, thiên tai mọi người đều hưởng ứng tham gia. Mới đây, khi xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ulan Bator, nhiều người đã không quản giá lạnh, ngày đêm góp công sức để hoàn thành công trình tượng đài Bác. Việc Đại sứ quán tổ chức cho bà con vui Tết đón xuân không những là trách nhiệm mà còn là sự tri ân, để bà con ta được ấm lòng trên đất bạn, hướng về tổ quốc, quê hương; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là cơ hội để bà con người Việt được gần gũi với nhau tăng tình đoàn kết, gắn bó. Và đây cũng là dịp để quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Bởi vậy việc tổ chức Tết từ thực đơn đến nghi lễ đều được chúng tôi chuẩn bị chu đáo công phu. Món ăn phải là món truyền thống ngày Tết như bánh chưng, canh măng, giò lụa, thịt đông, dưa hành… chương trình văn nghệ chọn những bài hát về Tết, về mùa xuân. Một năm mới đã đến, niềm vui của ngày Tết sẽ mang đến cho dân tộc ta nói chung và người Việt ở Mông Cổ nói riêng hạnh phúc và thịnh vượng, bà Hương nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần