AmCham: Doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm tới thành công của Việt Nam

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu dài hạn của Hoa Kỳ và Việt Nam là có một thỏa thuận thương mại tự do giữa 2 bên.

“Các DN Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công tiếp nối của Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ để phát triển khu vực tư nhân”, Chủ tịch AmCham Natasaha Ansell khẳng định.
Đây là đánh giá được bà Ansell đưa ra tại hội nghị bàn về tương lai mối quan hệ đầu tư và thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng phối hợp với AmCham và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) tổ chức ngày 10/5.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. 
Đánh giá về mối quan hệ giữa DN 2 nước, bà Ansell cho biết: “Các DN Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ đô la tại Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm chất lượng cho lao động Việt Nam và mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ”.
“Quan trọng nhất, các công ty của chúng tôi hiểu mối liên kết giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội, đồng thời nỗ lực hết mình để tiến hành kinh doanh theo cách tạo ra đồng thời giá trị kinh tế và xã hội lâu dài”, bà Ansell nhấn mạnh.
Với sự tham gia của hơn 250 đại diện chính phủ và lãnh đạo ngành của 2 quốc gia, hội nghị với tên gọi “Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ: Kỷ niệm 25 năm Thương mại và Đầu tư” tập trung thảo luận các biện pháp nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế song phương, dựa trên cơ sở những động lực tích cực hiện tại và giải quyết nhiều lĩnh vực mà các bên còn chưa nhất quán, chưa hiệu quả và thực tiễn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao và cảm ơn sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt chặng đường 25 năm qua. Phó Thủ tướng khẳng định trong mỗi bước phát triển của quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại như: Việc hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương (năm 2000), Hoa Kỳ trao Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2001), hai nước ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (năm 2007)... cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển nhanh, vượt bậc cả về tầm mức và chiều sâu trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua, với nhiều sự kiện mang ý nghĩa lịch sử như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo một nước ASEAN đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức; Tổng thống Trump là vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam 2 lần trong một nhiệm kỳ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh chính sách xuyên suốt của Việt Nam là coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là nền tảng và động lực của quan hệ hai nước.

Nhiều năm qua, Hoa Kỳ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 130 lần kể từ năm 1994 đến nay (450 triệu USD năm 1994, lên đến gần 60 tỷ USD trong năm 2018). Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh (tăng gần 40% trong năm 2018). Trong chuyến thăm Việt Nam dự Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 vừa qua của Tổng thống Trump, các nhà lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương mại lên tới hơn 21 tỷ USD.

Năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,08%; tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 482 tỷ USD. Hiện có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 340 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ có 900 dự án còn hiệu lực với tổng giá trị hơn 9 tỷ USD.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam quyết tâm hội nhập ngày càng sâu rộng và chủ động vào thể chế đa phương, thể hiện qua việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tham gia và phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình Dương (CPTPP).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gặp mặt đại diện một số nhà đầu tư Hoa Kỳ trước phiên khai mạc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng nhận định, nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau. Trong khi Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như thủy sản, hạt điều, dệt may, da giày... thì Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến các dự án đầu tư năng lượng hay các hợp đồng mua máy bay...
Phó Thủ tướng cũng tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, du lịch, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao....

"Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần này nên được coi là một trong những hoạt động nhằm kiến tạo và phát huy các cơ hội kinh doanh đầu tư giữa hai nước đồng thời cũng là một nỗ lực tiếp nối để phát triển những thành quả trên", Phó Thủ tướng đề xuất và được cộng đồng doanh nghiệp hai nước hưởng ứng.

Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Charles Freeman - Phó Chủ tịch cấp cao châu Á tại USCC cho biết: "Các thành viên của chúng tôi rất tập trung vào Việt Nam và lạc quan về tiềm năng phát triển của thị trường này”.
“Chúng tôi tiếp tục tin rằng mục tiêu dài hạn của Hoa Kỳ và Việt Nam là có một thoả thuận thương mại tự do giữa 2 bên”, ông Charles Freeman chia sẻ.
Trong khi đó, Chủ tịch VCCI Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Phát triển bền vững, đổi mới và hội nhập, đang là những từ khóa quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam đang hướng tới một cơ cấu đầu tư và thương mại có chất lượng cao hơn và bền vững hơn”.
Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng của Việt Nam trên hành trình thực hiện mục tiêu này, thông qua việc hợp tác với DN trong nước triển khai các dự án tiềm năng trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ số, y tế, và nhiều lĩnh vực khác.
Chủ tịch VCCI kỳ vọng với sự hợp tác của DN Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ không chỉ có các công xưởng mà còn cả những “Thung lũng Silicon châu Á”, qua đó góp phần định hình tương lai nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh ý kiến các diễn giả, hội nghị cũng gồm các cuộc thảo luận về các vấn đề quan trọng tới sự phát triển kinh tế Việt Nam, bao gồm: Thúc đẩy đầu tư và chính sách bền vững; thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai thông qua nền kinh tế kỹ thuật số; sử dụng internet để làm động lực cho tăng trưởng và đổi mới; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng của Việt Nam; và cách để Việt Nam hưởng lợi từ diễn biến thương mại toàn cầu hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần