Ấn Độ “quay cuồng” vì Covid-19, ca nhiễm tăng kỷ lục ngày thứ 3 liên tiếp

Nguyễn Phương (Theo CNBC, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ấn Độ ngày 23/4 ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ cao kỷ lục thế giới ngày thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh các bệnh viện quá tải và thiếu oxy nghiêm trọng.

Hơn 4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong gần 1 tháng
Tính từ đầu tháng đến nay, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đã lây lan với tốc độ “chóng mặt” tại quốc gia Nam Á này khi số ca mắc mới vượt mức 4 triệu người và ít nhất 24.452 trường hợp tử vong. Các cơ quan truyền thông cho rằng số người chết vì nhiễm Covid-19 thực tế có thể cao hơn.
  Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy do số ca nhiễm Covid-19 mới tăng đột biến. Ảnh:CNBC
Ghi nhận tới 346.786 ca nhiễm mới trong ngày 23/4, Ấn Độ tự xô đổ kỷ lục do chính họ thiết lập vào 1 ngày trước đó với 314.835 ca nhiễm. Tổng số ca nhiễm lên khoảng 16,6 triệu, đứng thứ hai thế giới về số người mắc Covid-19, chỉ xếp sau Mỹ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Ấn Độ, số ca tử vong sau 24 giờ cũng đã tăng lên mức kỷ lục 2.263 ca, nâng tổng số người chết vì Covid-18 tại nước này lên 189.544.
Trước đó, Ấn Độ hôm 22/4 vượt kỷ lục của Mỹ về số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất thế giới, trở thành tâm điểm Covid-19 toàn cầu, trong bối cảnh nhiều quốc gia khác đã kiềm chế được đại dịch.
Theo các chuyên gia y tế, số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến tại Ấn Độ trong thời gian ngắn là do sự chủ quan của cả chính phủ và cộng đồng, biến thể mới và chương trình vaccine không hiệu quả.
Đầu tháng 2, Ấn Độ dường như đã kiểm soát được Covid-19. Số ca nhiễm theo ngày ở mức hơn 10.000 người - được coi là thấp đối với một đất nước 1,3 tỷ dân. Chính phủ chủ quan và không chuẩn bị trước cho một kịch bản tồi tệ có thể xảy ra.
"Cả công chúng lẫn những nhà hoạch định chính sách đều chung một niềm tin, rằng Ấn Độ sẽ không có làn sóng Covid-19 thứ hai. Tiếc thay, điều này khiến họ buông lỏng cảnh giác. Rõ ràng là quyết định mở cửa du lịch, tiến hành bầu cử, hội họp tôn giáo và đám cưới đã dẫn đến nhiều cụm siêu lây nhiễm", tiến sĩ K. Srinath Reddy, chuyên gia dịch tễ, y tế cộng đồng, cố vấn chính phủ về đại dịch, nhận định.
Những người khác cho rằng, cũng có thể các biến chủng Covid-19 mới nguy hiểm hơn tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới, nơi người dân sống quá sát nhau. Tháng trước, Bộ Y tế thông báo đã phát hiện tổng cộng 771 biến thể, gồm cả biến thể Anh, Nam Phi, Brazil và B.1.617 có đột biến kép.
B.1.617 được cho là sẽ gây ra đợt bùng phát mới ở Bangladesh và Pakistan. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada và Anh khuyến nghị người dân không đi du lịch đến khu vực này.
Mike Ryan - giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biếtm việc kiềm chế đại dịch tại Ấn Độ sẽ là "nhiệm vụ vô cùng khó khăn", nhưng chính phủ nước này đang nỗ lực.
Cần thiết tái áp đặt lệnh phong tỏa tại Ấn Độ
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ lập kỷ lục mới mỗi ngày khiến hệ thống y tế quốc gia thiếu hụt oxy y tế nghiêm trọng. Giới chức trên khắp vùng Đông và Tây Ấn Độ, bao gồm Thủ đô New Delhi, cảnh báo phần lớn bệnh viện đã quá tải và đang cạn dần ôxy y tế.
Hệ thống y tế vốn thiếu thốn giờ càng thêm áp lực vì tình trạng quá tải và thiếu oxy trầm trọng. "Xin hãy giúp chúng tôi nhận được oxy. Một thảm kịch sẽ xảy ra tại đây", Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 23/4.
Chính phủ Ấn Độ đã triển khai máy bay quân sự và tàu hỏa để đưa nguồn oxy từ những nơi xa xôi đến New Delhi. Trong bài phát biểu tối 20/4, Thủ tướng Narendra Modi cho biết, chính phủ đang nỗ lực để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho các bệnh viện.
 Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ lập kỷ lục mới mỗi ngày khiến hệ thống y tế quốc gia thiếu hụt oxy y tế nghiêm trọng. Ảnh: CNA
Do số người tử vong vì Covid-19 tăng kỷ lục, các lò hỏa táng trên khắp New Delhi đã kín chỗ và đề nghị những gia đình mất người thân cố gắng chờ đợi, khi trung bình cứ chưa đầy 4 phút một người chết vì Covid-19 tại thủ đô.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Ấn Độ J. A. Jayalal, nước này cần thực hiện một biện pháp mạnh mẽ và sâu rộng, có thể tái áp đặt lệnh phong tỏa, để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ hai và tránh cho hệ thống y tế bị  sụp đổ.
Ông Jayalal cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ đang "ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm" và nếu các ca bệnh tiếp tục tăng nhanh trong hai tuần tới, thì hậu quả có thể là "thảm khốc". Theo chuyên gia này, số ca nhiễm Covid-19 mới lây lan trên diện rộng ở khắp 10 bang, đặt biệt là tại TP Maharashtra - tâm chấn của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Theo ông Jayalal, một số bang tại Ấn Độ đã tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, bao gồm cả lệnh giới nghiêm ban đêm, và một số bang khác đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần. “Nhưng điều đó vẫn chưa đủ tốt. “Chính phủ nên tái áp đặt lệnh phong tỏa mới, ít nhất là trong hai tuần, và điều đó sẽ tạo điều kiện để ngành y tế giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19”.
Trong làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên vào năm ngoái, Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 3 đến tháng 5. Biện pháp phong tỏa đã ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song lại tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ, khiến hàng triệu người thất nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ đang chật vật để phục hồi, các chuyên gia cho rằng chính quyền New Dehli có thể do dự trong việc áp đặt lệnh phong tỏa mới.
Trong phát biểu trên truyền hình vào ngày 20/4, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi người dân tăng cường ý thức và cẩn thận trước nguy cơ dịch Covid-19, nhưng vẫn kiên quyết rằng phong tỏa chỉ là biện pháp cuối cùng. Trong khi đó, nhiều bang và thành phố lại tự ban bố lệnh phong tỏa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần