Ẩn họa khôn lường từ những quả “bom gas”

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sử dụng gas luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, có thể dẫn đến sự cố cháy, nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, thậm chí tính mạng con người. Vừa qua, tại Hà Nội xảy ra liên tiếp 3 vụ nổ nghi dò rỉ khí gas khiến nhiều người dân hoang mang. Đây cũng là hồi chuông gióng lên, cảnh báo về cách sử dụng loại khí đốt này.

Hiện trường vụ nổ khí gas ở số nhà 32 Cửa Nam.
Nguy cơ cháy, nổ… rình rập
Theo các chuyên gia phòng chống, cháy nổ, trên thực tế, số vụ nổ gas ngày càng nhiều và tính nghiêm trọng càng ngày càng lớn, thế nhưng sự hiểu biết của người dân về gas, các phản ứng liên quan đến gas không nhanh nhẹn.
Khi dùng đúng quy trình an toàn thì các bình gas sẽ chỉ là chất đốt, còn khi sử dụng cẩu thả, không tuân thủ an toàn PCCC thì những bình gas đó có thể trở thành những quả bom gây đổ sập nhà xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép. Tại các bệnh viện, các y bác sĩ mỗi tháng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bỏng do nổ khí gas…
Chỉ trong tháng 5 vừa qua, tại Hà Nội đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ nổ nghi từ khí gas. Trước đó, chiều ngày 8/5, tại ngõ 394 phường Mỹ Đình l, quận Nam Từ Liêm đã xảy ra vụ cháy, phát ra nhiều tiếng nổ lớn liên tục tại một xưởng san chiết gas khiến nhiều tài sản của người dân bị thiêu rụi. Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội đã đến khống chế đám cháy. Công an địa phương cũng có mặt để phong toả hiện trường.
Đến 19 giờ cùng ngày đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy khiến hư hỏng toàn bộ bình gas với nhiều kích cỡ ở trong xưởng, kèm theo nhiều tài sản khác, do đám cháy quá lớn nên đã lan rộng ra các nhà lân cận, mạng lưới điện và viễn thông cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Rất may không có thiệt hại về người.
Tiếp đến là vụ nổ xảy ra chiều ngày 11/5, ngôi nhà số 32 phố Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm). Sau tiếng nổ, nhiều người dân xung quanh đã hoảng loạn chạy ra ngoài đường và phát hiện nhiều mảnh kính vỡ bắn ra từ ngôi nhà này. Thông tin từ UBND phường Cửa Nam, nguyên nhân gây ra vụ nổ được xác định là do rò rỉ khí gas khiến 3 người bị thương. Hiện tại, sức khỏe của 3 nạn nhân này đã ổn định.
Vụ nổ khí gas ở Cửa Nam khiến 3 người bị thương.
Vụ nổ gần đây vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 16/5, tại cửa hàng Sushi Việt số 211 phố Tô Hiệu, phường Dịch Vọng cũng xảy ra vụ nổ bình gas. Thời điểm xảy ra vụ nổ, đang có đông thực khách, bất ngờ khu bếp nấu hở khí gas đã bùng cháy. Cả đầu bếp lẫn khách chạy tán loạn ra ngoài. Rất may lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Cầu Giấy đã kịp thời có mặt xử lý, nên không gây hậu quả về người và thiệt hại ít về tài sản.
Có thể nói, sự cẩu thả, lơ là của việc dùng khí gas, không tuân thủ nguyên tắc quy trình an toàn PCCC và ý thức xem nhẹ của người sử dụng là nguyên nhân chính gây ra những hậu quả khôn lường. Vụ nổ khí gas tại phố Cửa Nam là minh chứng cho việc thiếu tuân thủ và thiếu ý thức trong việc sử dụng khí gas. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan công an xác định, do cửa hàng kinh doanh đồ ăn, đã phát nổ khí gas. Khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu nạn, cứu hộ Công an quận Hoàn Kiếm đã vận chuyển ra ngoài trên 10 bình gas cỡ lớn.
Theo lực lượng chức năng, vụ nổ tại phố Cửa Nam làm vỡ các cửa kính chịu lực, bung sập hệ thống trần thạch cao của ngôi nhà 5 tầng cùng nhiều cấu kiện, tài sản của nhiều nhà lân cận, cho thấy mức độ nguy hiểm của khí gas khi bị rò rỉ mà không biết cách xử lý. Qua khám nghiệm hiện trường, nhận định ban đầu là khí gas bị rò rỉ chứa trong khu vực để bình gas không có lối thoát. Sự ngưng tụ trong một thể tích, không gian nhất định và khi có tác động bằng ma sát mạnh phát ra lửa, hoặc bật công tắc điện sẽ khiến phát nổ gây công phá lớn.
Ý thức phòng ngừa là trách nhiệm của mỗi người dân
Một số chuyên gia về phòng chống, cháy nổ cho hay: An toàn cháy, nổ là trách nhiệm của toàn dân chứ không của riêng ai. Chính vì thế công tác phòng chống, cháy, nổ khí gas không chỉ được duy trì một cách nghiêm ngặt tại các nhà hàng, quán ăn dùng khí gas mà ngay cả đối với gia đình đun nấu bằng chất đốt này.
Đối với các nhà hàng, quán ăn, nếu dùng gas để làm chất đốt, nhiệm vụ kiểm tra phải được thực hiện theo từng giờ và có quy định nghiêm ngặt đối với những đầu bếp liên quan đến sử dụng khí gas.
Tại cửa hàng Sushi Việt số 211 phố Tô Hiệu, phường Dịch Vọng bất ngờ phát nổ khí gas vào ngày 16/5.
Về vụ nổ khí gas nói trên, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy phân tích: Thực tế, bình gas không thể phát nổ được trừ khi khí gas rò rỉ ra ngoài ngưng tụ và có tia lửa phát ra. Nguyên nhân bị rò rỉ khí gas để xảy ra hậu quả là do sự chủ quan của người sử dụng thiếu hiểu biết. Đó là lý do tại sao phải tuân thủ công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và thay thế dụng cụ liên quan đến bình chứa gas và ống dẫn gas để không xảy ra cháy nổ.
Về nguyên nhân cháy, nổ khí gas, Đại tá Nguyễn Trường Sơn cũng cho hay: Ngoài việc không trang bị thiết bị an toàn cháy, nổ khí gas thì nhiều quán do nhân viên thay đổi liên tục, có khi nhân viên mới được tập huấn, hướng dẫn sử dụng thành thạo phương tiện PCCC, phòng chống, cháy nổ khí gas xong thì lại chuyển chỗ làm khác.
Việc thay đổi nhân viên mới và cũ dẫn đến những quy trình, quy định an toàn PCCC đối với khu bếp nấu có sử dụng khí gas cũng bị ảnh hưởng, cùng với đó là việc giám sát thiếu chặt chẽ của chủ cơ sở...
Đối với vấn đề sử dụng gas trong gia đình cần lưu ý, van tự động đang lắp trong bình gas của gia đình không phải là van an toàn mà đó chỉ là van điều tiết cho gas ra để sử dụng chứ không có tác dụng đóng tự động. Để đảm bảo an toàn cho mỗi gia đình cần khóa van khi không sử dụng và lắp đặt bộ cảm ứng mùi ở nơi gần bình gas. Van này sẽ có tác dụng báo tiếng kêu khi có mùi gas hở. Điều quan trọng nữa phải trang bị bình chữa cháy xách tay trong gia đình để phòng khi sự cố xảy ra kịp thời xử lý...

Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội đưa ra khuyến cáo về tình huống rò rỉ khí gas:

- Trường hợp, nếu bình gas đã xảy cháy thì bình tĩnh dùng bình bột xách tay phun thẳng vào đám lửa. Lưu ý, bình gas trong trường hợp hở, bốc cháy thì không thể phát nổ được, do đó cần bĩnh tĩnh xử lý.
- Bình/chai chứa gas đặt thẳng đứng, nơi thông thoáng, không đặt cạnh các nguồn khí nén khác và cách xa nguồn nhiệt 1m. Các mối nối giữa dây với van, bếp phải chặt và kín.
- Không tự ý tháo dỡ các phụ kiện của bình/chai chứa gas, không dùng lực quá mạnh để đóng hoặc mở van bình/chai chứa gas. Không để thiết bị sử dụng gas đè lên dây dẫn gas hoặc để dây dẫn gas gần nguồn nhiệt.
- Luôn vệ sinh sạch sẽ bếp, dây dẫn gas, van bình nhằm loại bỏ điều kiện động vật gặm, cắn dây. Thường xuyên kiểm tra rò, rỉ bằng nước xà phòng, tuyệt đối không được dùng bật lửa, diêm soi dò chỗ hở. Luôn khóa van cổ bình khi không sử dụng.
- Biện pháp xử lý khi phát hiện rò, rỉ khí gas: Tuyệt đối không làm phát sinh tia lửa như: bật/tắt công tắc điện, quạt điện, sử dụng điện thoại di động. Ngay lập tức khóa van cấp gas; mở thông thoáng các cửa, dùng quạt thủ công để làm phát tán khí gas.
- Nếu thấy chỗ rò, rỉ thì dùng vải ướt quấn quanh chỗ rò, rỉ hoặc dùng xà phòng bánh để bịt lỗ rò, rỉ tạm thời; nếu xảy ra sự cố khi đang sử dụng, phải dùng chăn ướt phủ lên bếp hoặc bình cho tắt lửa hoặc dùng bình chữa cháy phun dập tắt đám cháy; báo ngay cho nhà cung cấp đến xử lý tình huống.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần