Ăn nhiều rau, quả để phòng bệnh trĩ

Nam Trần thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trĩ là một căn bệnh phổ biến, được nhiều người ví von là căn bệnh “khổ mà khó nói”, ám ảnh hầu hết mọi người từ già đến trẻ. Nguy cơ mắc bệnh trĩ gia tăng vào mùa hè, ở những đối tượng là nhân viên văn phòng hoặc những người thường xuyên phải ngồi làm việc. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng và Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo, khi phát hiện bệnh, người bệnh cần được điều trị kịp thời.

 Tăng cường ăn rau, hoa quả để phòng bệnh hiệu quả.

Được biết, tỷ lệ người Việt Nam mắc bệnh trĩ rất cao. Bác sĩ có thể cho biết những dấu hiệu nhận biết bệnh?

- Các dấu hiệu và triệu chứng của trĩ có thể bao gồm: Chảy máu không kèm đau trong quá trình đi tiêu. Ban đầu có thể thấy một lượng kín đáo máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Về sau khi rặn nhiều thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn là khi ngồi xổm cũng chảy máu. Ngoài ra, bệnh nhân cảm thấy đau hoặc khó chịu do nứt hậu môn, tắc hoặc nghẹt. Triệu chứng trĩ thường phụ thuộc vào vị trí. Trĩ ngoại gây khó chịu nhất, bởi vì vùng da trên búi trĩ bị kích thích và bị loét. Nếu cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ ngoại, cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng. Trĩ nội thường không gây đau, ngay cả khi chúng xuất huyết. Người bệnh có thể nhìn thấy máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt vào bồn cầu. Trĩ nội cũng có thể bị sa ra ngoài hậu môn tạo trĩ nội sa. Khi trĩ bị sa, nó có thể hấp thu một lượng nhỏ chất nhầy và phân có thể kích thích gây ra ngứa, đau và rát.

Bệnh trĩ thường chia ra làm mấy loại, thưa bác sĩ?

- Bệnh trĩ trong y học chia theo các cách khác nhau. Về mặt giải phẫu búi trĩ là cấu trúc mạch máu nằm trong trực tràng, ở người bình thường không sa ra vì nó có dây chằng giữ. Nhưng khi dây chằng không giữ được độ đàn hồi thì nó sinh ra trĩ và chia các độ 1, độ 2, độ 3, độ 4. Nếu trĩ độ 1 thì chưa bị sa búi trĩ mà chỉ có chảy máu, khi nó sa ra ở độ 3 búi trĩ không tự co hồi lại được và phải lấy tay đẩy vào trong. Còn trĩ độ 4 là búi trĩ sa ra đẩy vào nó cũng không ở lại.

Bệnh nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ?

- Như tôi đã nói, trĩ là căn bệnh mãn tính diễn biến theo từng đợt và có những biến chứng nguy hiểm. Vậy nên khi phát hiện những dấu hiệu ban đầu của bệnh, cần đi khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Trĩ cũng có thể gây biến chứng như thiếu máu do mất máu mạn tính qua búi trĩ, lúc này cơ thể sẽ không có đủ số lượng hồng cầu cần thiết để thực hiện trao đổi oxy cho tế bào. Trường hợp này hiếm xảy ra. Ngoài ra, có thể tắc mạch, là tình trạng hình thành cục máu đông bên trong mạch máu của búi trĩ hay viêm da quanh hậu môn, viêm nhú và viêm khe khi da giữa các búi trĩ bị loét gây triệu chứng ngứa ngáy, nóng rát.

Trĩ thuộc nhóm bệnh có u nhưng không phải ung thư, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, không điều trị.

Vậy, bác sĩ có thể cho biết nguyên nhân gây nên bệnh trĩ và những đối tượng nào thường hay mắc bệnh?

- Các tĩnh mạch xung quanh hậu môn có xu hướng căng dưới áp lực và có thể phồng lên hoặc sung huyết. Búi trĩ có thể phát triển do áp lực gia tăng ở phần dưới trực tràng do rặn khi đi cầu, tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính, béo phì, mang thai, chế độ ăn ít chất xơ. Bệnh trĩ gia tăng theo tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị trở nên lỏng lẻo và nhão dần. Trĩ là một trong những bệnh thường gặp của giới văn phòng hoặc những người làm công việc thường xuyên phải ngồi nhiều, ít vận động thể lực.

Bác sĩ có khuyến cáo người dân cần làm gì để phòng bệnh trĩ?

- Mọi người nên ăn thực phẩm nhiều chất xơ, ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám để phòng bệnh táo bón. Uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất 2 lít nước, nếu không, các chất bổ sung có thể gây táo bón hoặc làm táo bón nặng hơn. Không rặn mạnh khi đi cầu vì khi cố gắng rặn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu. Đi cầu ngay khi có cảm giác mắc cầu. Nếu bỏ lỡ cảm giác mắc đi cầu, niêm mạc trực tràng dần hấp thu nước trong phân bị ứ đọng, phân sẽ trở nên khô, cứng và khó hơn đi cầu hơn.

Một yếu tố quan trọng khác là cần duy trì vận động thể dục mỗi ngày để giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch, có thể xảy ra khi đứng lâu hoặc ngồi lâu. Khi thấy triệu chứng đi cầu ra máu, đừng chỉ nghĩ đến bệnh trĩ, mà còn nhiều bệnh lý khác từ lành tính đến ác tính như ung thư đại trực tràng, ung thư ống hậu môn, polyp đại trực tràng.

Xin cảm ơn ông!

Theo nghiên cứu của Hội hậu môn, trực tràng Việt Nam, tỷ lệ mắc trĩ ở Việt Nam là 35 - 50%. Tỷ lệ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam (chiếm 61%). Tuổi trung bình của bệnh nhân là khoảng 45, tập trung ở TP và liên quan đến công việc. Bệnh trĩ rất dễ tái phát, những lần tái phát về sau, tĩnh mạch càng giãn nhiều hơn khiến bệnh nặng hơn, nếu để lâu khiến cho từ trĩ độ 1 ban đầu có thể tiến triển thành trĩ độ 3, 4, lúc này bệnh nhân cần được phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần