Nhu cầu nhân lực an toàn thông tin Việt Nam rất lớn
Ước tính nhu cầu đặt ra đến năm 2020 đối với nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam rất lớn. Theo đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực an ninh thông tin, mục đích cần đạt được là đưa 300 giảng viên, học viên đi đào tạo về an toàn an ninh thông tin ở nước ngoài trong đó có 100 người làm nghiên cứu sinh. Đào tạo khoảng 2000 học viên có trình độ đại học và sau đại học về an toàn an ninh thông tin chất lượng cao, đưa 1500 lượt cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin đi đào tạo ngắn hạn để nhằm cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở có uy tín ở nước ngoài. Tập huấn ngắn hạn về an toàn an ninh thông tin cho 10.000 lượt cán bộ tại cơ quan nhà nước.Về giải pháp trước mắt, Bộ TT&TT tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, cập nhật kiến thức cho các cán bộ an ninh an toàn thông tin, cử 76 lượt cán bộ đi đào tạo nước ngoài ngắn hạn về an toàn an ninh thông tin, tập huấn cho 2600 lượt cán bộ làm về an toàn thông tin tại các cơ quan nhà nước…Hướng dẫn các đơn vị tự triển khai khoảng 900 lượt cán bộ về an toàn thông tin và CNTT tại cơ sở. Bộ đang phối hợp với Bộ GD, Bộ LĐTB&XH để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với đáp ứng nhu cầu DN, thị trường.
Hiện nay cả nước có 8 cơ sở được lựa chọn là 8 cơ sở trọng điểm để đào tạo về bậc đại học và sau đại học về an toàn thông tin và các cơ sở đào tạo trọng điểm này được ưu tiên đầu tư nâng cấp trang thiết bị giảng dạy và thực hành về an toàn thông tin.
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về lĩnh vực an toàn thông tin mạng
Bộ vẫn tích cực tìm kiếm nguồn lực quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn lực về an toàn thông tin của Việt Nam. Hợp tác với Pháp, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Hungary, Nhật Bản... để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.Ưu tiên về khoa học công nghệ, làm chủ công nghệ để đảm bảo an toàn thông tin. Chúng tôi khuyến khích các DN khởi nghiệp về lĩnh vực an toàn an ninh thông tin, tăng cường và hỗ trợ các DN này hoạt động. Tuy nhiên với trình độ hiện nay, chỉ có một số ít nước trên thế giới có khả năng làm chủ hoàn toàn công nghệ như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Israel nên chúng tôi đang cố tiếp cận với các quốc gia này để học hỏi. Việt Nam là nước đang phát triển, trình độ công nghệ đang ở mức cần cố gắng hơn nữa, nhất là chuyển giao công nghệ và áp dụng công nghệ.
Thời gian qua, đã có một số DN Việt Nam làm chủ về an toàn thông tin như FPT, CMC... Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích các DN này tiếp tục phát triển một số sản phẩm về an toàn thông tin. Để làm chủ công nghệ, Bộ TT&TT đang chỉ đạo triển khai hai nội dung lớn là tăng cường làm chủ phần mềm nguồn mở. Đây là vấn đề rất quan trọng khi chúng ta làm chủ được phần mềm nguồn mở thì chúng ta sẽ chủ động vấn đề an toàn thông tin. Tuy nhiên cộng đồng nguồn mở Việt Nam hiện nay còn nghèo nên cần nhiều biện pháp tiếp tục hỗ trợ cộng đồng này. Thứ hai là, Bộ TT&TT xây dựng đề án hỗ trợ và phát triển một số sản phẩm an toàn thông tin trong nước, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 10/2017 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.Mỗi người dân cần tự đảm bảo an toàn thông tin của bản thân
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết thêm: “Việc xây dựng một cơ chế quản lý thông tin trên mạng hợp lý vừa đảm bảo trật tự xã hội, vừa đảm bảo quyền tự do của công dân, vừa đáp ứng yếu tố hội nhập của đất nước. Đây không phải là những mặt trái của nhau. Hiện nay, Bộ đang triển khai các giải pháp cấp bách và lâu dài. Trước mắt là nâng cao vận hành hệ thống tổng hợp thông tin, kịp thời phát hiện nguồn phát tán trên mạng hỗ trợ cơ quan chức năng để xử lý, chia sẻ thông tin sai phạm cho cơ quan chức năng của Bộ công an, các DN dịch vụ viễn thông internet trong việc điều phối các nguồn thông tin vi phạm pháp luật trên mạng, vận hành hỗ trợ người sử dụng Internet an toàn, phát triển tài nguyên thông tin số, có nội dung hấp dẫn, hướng đối tượng cụ thể vào sử dụng các trang này, tăng cường thông tin chính thống trên mạng xã hội, quản trị điều hành nội dung, thông tin trên các trang thông tin chính thống, phát triển các dịch vụ khác để tận dụng mạng Internet Việt Nam. Hỗ trợ phát triển cộng đồng thuận tiện, dễ dàng để cùng cơ quan chức năng phát hiện sai phạm. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử sử dụng mạng Internet, tuyên truyền kỹ năng sử dụng Internet an toàn, hiệu quả...
"Chúng tôi mong muốn tất cả hệ thống chính trị, cử tri cả nước động viên toàn dân tham gia tích cực vào các giải pháp này. Hợp tác để ngăn chặn các nguồn thông tin xấu vào Việt Nam, phối hợp với DN nước ngoài để phát triển dịch vụ CNTT. Quản trị trên mạng phù hợp thực tiễn xã hội và sự phát triển của thế giới, đảm bảo quyền tự do của công dân nhưng cũng đảm bảo đúng theo tôn chỉ của luật pháp, pháp lý của Việt Nam. Người dân cần tự đảm bảo an toàn thông tin cho bản thân mình, mỗi tổ chức, địa phương tự đảm bảo an toàn thông tin, thành pháo đài an toàn thông tin, cả nước thành trận địa an toàn thông tin. Đảm bảo xây dựng xã hội thông tin lành mạnh nên cần huy động sự tham gia của các DN theo hình thức xã hội hóa." - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Tạo sân chơi về an toàn thông tin cho giới trẻ
Với câu hỏi tại sao không tạo môi trường lành mạnh cho hacker phát triển, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng: “Nếu nói đến hacker mũ trắng thì tôi đồng ý. Còn những kẻ phá hoại thì không thể chấp nhận. Hiện nay các bạn trẻ cần sân chơi để thực hành, diễn tập nâng cao trình độ thực tế. Tôi nhất trí là cần tạo sân chơi. Và chúng tôi đã tạo ra sân chơi bằng các cuộc diễn tập tấn công mạng quy mô lớn vào tháng 3/2017. Tới đây chúng tôi sẽ làm thường xuyên và rất mong các bạn trẻ giỏi về CNTT và an toàn thông tin tham gia diễn tập này. Và với đề án triển khai an toàn thông tin, Bộ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để tìm kiếm các tài năng ở các sân chơi này. Phối hợp các DN để tổ chức cuộc thi hacker mũ trắng hàng năm để thu hút hàng ngàn bạn trẻ yêu thích CNTT trên toàn quốc, lựa chọn đội trẻ VN tham gia các cuộc thi ở khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Hy vọng sẽ tạo ra sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ giỏi về CNTT.
Ý thức sử dụng Internet ở Việt Nam còn kém
Nói về vấn đề an toàn an ninh thông tin mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là phát triển CNTT rất nhanh và chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng nó có hai mặt, một mặt là phải khuyến khích phát triển, một mặt phải có giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Báo cáo với Quốc hội, đây là vấn đề lớn của cả thế giới.
Theo ước tính năm 2015, thiệt hại về an toàn an ninh thông tin trên thế giới khoảng ngót ngét 500 tỷ đô la và tăng rất nhanh và dự báo hai năm tới đây sẽ tăng thêm. Trong khi thị trường phần mềm thế giới năm 2015 chỉ là 930 tỷ đô la. Một ngày trung bình có 5 tỷ thư rác. Và một năm có 8,19 tỷ lượt tấn công bằng phần mềm và mã độc hại.
Thực tế, Việt Nam là một trong những nước top đầu bị mất an toàn an ninh thông tin. Tôi xin cảnh báo điều này. Hãng bảo mật Kasperky của Nga đã công bố năm 2016, chúng ta đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện, 71,85% các thiết bị tại chỗ bị nhiễm mã độc, đứng thứ 10 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các hình thức trực tuyến, đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ người đang bị tấn công bởi phần mềm độc hại. Tỷ lệ thư rác của Việt Nam luôn đứng trong top 3 về tổng số lượng và nếu chia theo đầu người thì ta luôn đứng thứ nhất." - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh
“Để giải quyết việc này thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ khung pháp lý đến các thiết chế, các giải pháp công nghệ... nhưng điều đặc biệt quan trọng là ý thức của người sử dụng. Điều này chúng ta đang kém nhất. Chúng ta có thể nghĩ đến những dự án đầu tư rất lớn, luật pháp, cơ quan cơ chế để bảo vệ, giống như xây một ngôi nhà nhưng nhiều khi tường và cửa chính làm bằng thép rất dày nhưng cửa sổ thì lại để trống. Thậm chí có chuyên gia còn ví đùa "Bỏ tiền xây nhà kín song sắt hết nhưng chìa khóa treo ngay trước cửa, đi về không mở cửa", từ thói quen cắm USB vào máy, thói quen lên mạng vào bất cứ trang mạng nào, cứ thế mà bấm, không cần đọc các cảnh báo dẫn đến tình trạng máy tính nhiễm virus...." - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Thông tin cái tốt để đấu tranh lại cái xấu
Việc mất an toàn an ninh thông tin mạng vô cùng nguy hiểm. Bởi trong thế giới ngày nay, mọi nhà máy, công xưởng, công trình đều được kết nối mạng và khi mất an toàn an ninh thì không chỉ lộ bí mật, không thông tin nói xấu mọi người, thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục bị lọt vào mà quan trọng hơn là nắm quyền điều khiển toàn hệ thống, đánh sập hệ thống, gây khủng hoảng rất lớn về kinh tế xã hội, thậm chí về quốc phòng an ninh... Theo tôi tới đây chúng ta cần làm mạnh mẽ hơn không chỉ bằng việc tăng cường các giải pháp lớn lao mà điều quan trọng nhất là vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp làm CNTT, hiệp hội doanh nghiệp làm về bảo toàn thông tin, đặc biệt tuyên truyền đến từng người sử dụng thì chúng ta mới có thể cải thiện tình hình.”
Phó Thủ tướng cho biết thêm: “Đối với các thông tin xấu trên mạng xã hội, câu chuyện mất an toàn an ninh thông tin là một phía, còn một phía là sử dụng các phương tiện theo luật pháp ở các nước có sở hữu dịch vụ, mạng đó là hợp pháp nhưng để bôi xấu chế độ, nói xấu cá nhân, tuyên truyền các nội dung trái thuần phong mỹ tục... Đây là một việc đòi hỏi các giải pháp rất đồng bộ từ pháp luật đến giải pháp làm việc với các cơ quan, công ty làm dịch vụ các nước, phối hợp cơ quan quản lý các nước... Quan trọng hơn hết cũng phải đi vào giải pháp có tính quyết định là chúng ta chủ động cung cấp những thông tin cảnh báo những nội dung bị xuyên tạc, nhưng thông tin chính thống phải được cung cấp đầy đủcảnh báo về nội dung bị xuyên tạc... Đây là việc cả thế giới phải đổi mặt, chúng ta phải thông tin cái tốt để đấu tranh lại cái xấu, xử lý nghiêm người vi phạm.”