An ninh T4 và ‘kho tư liệu vô giá’ trong ngày 30-4 lịch sử

Theo Công an Nhân dân
Chia sẻ Zalo

Trong ngày 30/4/1975 lịch sử, nhiệm vụ chiếm giữ Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia và Nha Cảnh sát đô thành Sài Gòn, Ty Cảnh sát Gia Định được giao cho lực lượng An ninh khu Sài Gòn - Gia Định (Ban An ninh T4). Việc chiếm giữ ba cơ quan quan trọng nhất của Cảnh sát chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) gần như không có tiếng súng.

Quan trọng nhất là tất cả khối tài liệu, hồ sơ mật đồ sộ vô cùng giá trị tại ba cơ quan này đều được lực lượng An ninh T4 tiếp quản, bảo vệ gần như nguyên vẹn…
Giữa tháng 4/1975, sau khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành ủy Sài Gòn đã giao cho Ban An ninh T4 những nhiệm vụ chính: Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo trong Thành ủy; chiếm lĩnh và bảo vệ tốt các tài liệu, hồ sơ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia (thường gọi là Tổng nha Cảnh sát), Nha Cảnh sát Đô thành và Ty Cảnh sát Gia Định; đảm bảo trật tự xã hội trong TP ngay sau khi tiếp quản…
Từ trái qua: Đại tá Thái Doãn Mẫn, Đại tá Lê Văn Thiện, Đại tá Bùi Quang Hảo.
Ngay sau đó, lực lượng An ninh T4 chia làm ba cánh: Một cánh do đồng chí Thái Doãn Mẫn (Tám Nam, sau này là Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) cùng đồng chí Lê Văn Thiện (Tám Vỹ, sau này là Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) chỉ huy lực lượng, phần lớn là trinh sát vũ trang tiến về Sài Gòn theo hướng Tây Nam với nhiệm vụ chiếm lĩnh Tổng nha Cảnh sát.
Cánh thứ hai do đồng chí Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc, sau này là Thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh), người phụ trách điệp báo của An ninh T4 chỉ huy có nhiệm vụ chiếm lĩnh Nha Cảnh sát đô thành. Cánh thứ ba do đồng chí Bùi Quang Hảo (Hai Mỏ, sau này là Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) chỉ huy có nhiệm vụ chiếm lĩnh Ty Cảnh sát Gia Định… Cho đến ngày 26/4, công tác chuẩn bị của các cánh quân An ninh T4 đã hoàn tất, chỉ đợi lệnh tổng tiến công.
Đại tá Thái Doãn Mẫn năm nay ngoài 90 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe, trí nhớ minh mẫn. Ông cho biết, sau khi nhận nhiệm vụ và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vũ khí, lương thực, ngày 14/4/1975, ông lúc đó là Phó ban An ninh T4 cùng với đồng chí Lê Văn Thiện là Ủy viên Phân ban nông thôn của An ninh T4, chỉ huy hơn một đại đội xuất phát từ xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) hành quân đến xã Tân Nhật (huyện Bình Chánh) và ém quân ở đây.
“Ngày 26/4, chúng tôi nhận được lệnh đến chiều 29/4 sẽ vượt quốc lộ 1 đến xã Hưng Long (huyện Bình Chánh) tiếp cận với lực lượng mũi nhọn tiến quân vào Sài Gòn. Tuy nhiên, sau đó liên lạc dẫn đường báo cáo về là địch phục kích ở quốc lộ 1 không thể vượt qua, phải dừng lại, đến ngày hôm sau (30/4/1975) mới triển khai được…”, Đại tá Thái Doãn Mẫn kể lại.
Khoảng 8h sáng 30/4, liên lạc báo tin về là địch ở Chợ Đệm, Bình Điền phần nhiều bỏ chạy, quần chúng và cơ sở ở khu vực Phú Lâm đã treo cờ của Mặt trận giải phóng. “Khi nghe báo cáo như vậy, chúng tôi quyết định tiến quân chứ không đợi đến tối 30/4 mới vượt qua quốc lộ 1 để phối hợp với lực lượng quân đội đang đóng ở xã Hưng Long. Chúng tôi tiếp tục tiến đến mục tiêu Tổng nha Cảnh sát vào lúc 10h30 sáng mà không hề gặp trở ngại. Bên trong cơ quan rộng lớn này gần như không còn thấy bất cứ bóng dáng quân lính nào”.
Theo Đại tá Lê Văn Thiện, ông đã cùng với vị chỉ huy Tám Nam tiếp cận ngay với 2 người (vốn là nhân viên trông giữ quản lý kho hồ sơ tài liệu trong cơ quan này) là cơ sở nội tuyến của An ninh T4 từ trước để trực tiếp nắm tình hình. Được sự hướng dẫn của hai cơ sở này, hai vị chỉ huy đã phân công lực lượng bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt các khu vực trọng điểm như kho lưu trữ hồ sơ của cảnh sát đặc biệt; khu thông tin liên lạc; kho vũ khí, đạn dược, các phương tiện kỹ thuật và xe cộ. Ngoài ra, phân công một tổ thường xuyên tuần tra bên trong Tổng nha Cảnh sát.
Người dân chào đón quân giải phóng trên đường phố Sài Gòn ngày 30/4/1975.
2 cơ sở này cho biết họ cùng với 4 nhân viên khác là cảm tình của cách mạng đã tìm mọi cách để giữ lại kho hồ sơ tài liệu tối mật đồ sộ trong Tổng nha Cảnh sát (gồm danh sách, hồ sơ của toàn bộ lực lượng cảnh sát đặc biệt và mạng lưới cơ sở của địch). Ngày 28/4/1975, một số đầu sỏ của Tổng nha đã ra lệnh cho họ phải đốt hủy kho hồ sơ đó. 2 người này đã khôn khéo nói rằng nếu muốn hủy hồ sơ thì phải có lệnh bằng văn bản và đóng dấu của cấp trên chứ chỉ nói miệng họ không dám thực hiện. Các cơ sở của ta đã có công rất lớn trong việc giữ lại được kho hồ sơ (dài khoảng 150m và có tới 6 dãy) có giá trị đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn khi đó từ Hà Nội vào đến Tổng nha Cảnh sát ngày 2/5/1975 đánh giá: “Ta đã chiếm được một kho báu quý giá mà địch để lại. Nó là vô giá…”. Sáng 1/5/1975, từng tốp 5 - 7 người là sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên cảnh sát của Tổng nha Cảnh sát đến xin đăng ký trình diện, có người đem cả vũ khí đến nộp…
Đại tá Lê Văn Thiện kể lại, trước đó khi hành quân đến Cầu Xáng - Long An, có một người tên Hai Bột đã dùng dao khắc một con dấu tròn từ thân cây lồng mứt. Trên con dấu này ghi dòng chữ: Ban nội chính Sài Gòn - Gia Định. Tưởng rằng chỉ khắc làm kỷ niệm, nhưng đến khi vào chiếm giữ Tổng nha Cảnh sát, con dấu này đã phát huy tác dụng. Sau khi bàn bạc, hai vị chỉ huy đã quyết định cắt các miếng giấy nhỏ, ký tên vào đó rồi dùng con dấu này để đóng lên. Việc đăng ký trình diện nhờ vậy đã diễn ra khá suôn sẻ và nhanh chóng.
Chiều 2/5/1975, lực lượng do đồng chí Tám Nam và Tám Vỹ chỉ huy đã trở về hội quân tại Nha Cảnh sát đô thành cùng nhóm với đồng chí Sáu Ngọc, người đã cho quân chiếm giữ cơ quan này trước đó và cũng lưu giữ được nhiều tài liệu, hồ sơ rất quan trọng của địch.
Đại tá Bùi Quang Hảo nhớ lại: “Mục tiêu của cánh quân do tôi chỉ huy có trách nhiệm bảo vệ ông Mười Thơ khi ấy là Phó Bí thư thường trực Thành ủy và cho quân chiếm cánh Gia Định - gồm Dinh tỉnh trưởng Gia Định, Ty Cảnh sát Gia Định và một số sở, ngành xung quanh. Chúng tôi xuất phát vào chiều 29/4/1975 từ xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi) đi xuống Hóc Môn rồi vào phía Gò Vấp tiến về khu Bình Thạnh hiện nay. Dù gặp một số khó khăn do cầu đường hư hỏng và một số cánh quân bị lạc nhau nhưng đến hơn 3h chiều 30/4, tất cả chúng tôi đã có mặt ở Gia Định… Cánh quân do ông Mười Thơ dẫn đầu đi tới trước đã chiếm giữ Dinh tỉnh trưởng Gia Định. Trong khi đó, tôi dẫn quân vào chiếm giữ Ty Cảnh sát Gia Định. Sau đó tôi tiếp tục cho triển khai một bộ phận chiếm các Ty Chiêu hồi, Ty An ninh quân đội…”.
Sau khi giao lại cho lực lượng Quân quản, đồng chí Hai Mỏ cũng trở về Ban An ninh T4 đóng tại Nha Cảnh sát đô thành để nhận nhiệm vụ mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần