Café cuối tuần: Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Mỗi cuộc chơi đều có luật và việc cá nhân vi phạm bị kỷ luật là điều không ai phải bàn cãi. Nhưng nhìn cái cách Ban Kỷ luật VFF đình chỉ làm nhiệm vụ 2 trận, phạt 10 triệu đồng đối với phiên dịch tiếng Hàn của CLB TP Hồ Chí Minh, Yang Yae-mo lại đang bị dư luận phản ứng.

Đầu tiên là quyết định kỷ luật  của VFF ban hành khá chậm. Yang Jae-mo bị kỷ luật do có hành vi công kích, kích động trọng tài ở trận đấu giữa CLB TP Hồ Chí Minh với Hà Nội, vòng 11 LS V-League 2020, diễn ra hôm 24/7 tại sân vận động Thống Nhất nhưng phải đến 20/8 án phát mới tuyên đã giảm đi khá nhiều sự răn đe.

Án phạt nguội

Trong 1 clip được tung lên mạng, sau khi kết thúc trận TP.HCM thua Hà Nội 0-3, trợ lý người Hàn quốc Yang Jae-mo đã giơ ngón tay nhắm về khu khán đài VIP sân Thống Nhất. Nơi đây đang có lãnh đạo VFF và Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền đang ngồi, hàm ý phản ứng về một số quyết định của trọng tài gây bất lợi cho đội nhà.

 CLB TP.HCM sẽ khiếu nại với quyết định kỷ luật Yang Jae-mo. Ảnh CLB

Nên dù trọng tài không đưa ra án phạt và giám sát trận đấu cũng không ghi vào biên bản nhưng Ban Kỷ luật vẫn ra án phạt "nguội". Đây là một điều không sai so với Điều lệ của giải V.League nhưng lại không công bằng bởi VFF không hề xử lý trong các vi phạm tương tự.

Đây không phải lần đầu tiên Ban Kỷ luật VFF đưa ra quyết định chậm trễ như thế. Mới đây, sau khi cuộc họp kỹ thuật giữa trận SLNA và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh được kết thúc rất lâu, Ban Kỷ luật mới công bố án kỷ luật cấm thi đấu với ngoại binh Mansaray khiến cho BHL Minh Đức và BHL của đội khách chỉ còn biết “kêu trời”.

Người ta có cảm giác Ban Kỷ luật không chủ động bám sát các trận đấu của V.League để đưa ra các quyết định kịp thời. Phải đến khi có ai đó nhắc nhở, các thành viên Ban Kỷ luật mới vào cuộc thực thi nhiệm vụ.

Người ta còn nhớ mới đây tại vòng 5 V-League trên sân Tam Kỳ, Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp đã xông vào phòng riêng của tổ trọng tài và có những hành vi, lời nói rất khó nghe. Hành động này vô tình của ông Húp đã kích động khán giả chủ nhà quá khích la hét đe dọa tổ trọng tài và đã lấy đá ném vỡ kính phòng trọng tài.

Không có bằng chứng

Khác với Yang Jae-mo, hành động trên đã bị giám sát trận đấu, ông Nguyễn Trọng Lợi báo cáo lên ban tổ chức VFF. Nhưng không hiểu sao dù có đầy đủ báo cáo và bằng chứng nhưng, VFF chỉ phạt BTC trận đấu 15 triệu đồng vì để khán giả ném chai nước và đập vỡ kính phòng trọng tài, còn ông Chủ tịch Nguyễn Húp thì không hề hấn gì với lý do…không có bằng chứng.

Nếu như trợ lý ngôn ngữ của CLB TP.HCM Yang Jae-mo “có cử chỉ và lời nói nhằm mục đích công kích, kích động trong trận đấu” thì chả lẽ những hành động và lời nói phản ứng quá thái của Chủ tịch Nguyễn Húp của CLB Quảng Nam lại không?

 VFF đang "né" Chủ tịch Nguyễn Húp của CLB Quảng Nam. Ảnh BaEuro

Đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Húp có những hành động, lời nói nhằm thắng vào VFF nhưng tổ chức này lại chọn phương án “im lặng là vàng”, không hề có các điều chỉnh. Nhớ lại trước thềm Đại hội 8 VFF năm 2018, ông Nguyễn Húp công khai phát biểu “có ứng viên Phó chủ tịch tranh cử bằng cách mua phiếu” trên mặt báo.

Đối với các thành viên của FIFA, trước những phát biểu làm mất hình ảnh, uy tín của VFF như thế thì họ phải lập tức yêu cầu ông Húp giải trình, cung cấp bằng chứng và điều tra làm rõ sự việc. Nhưng tại thời điểm đó VFF lại im lặng rồi sau đó tổ chức đại hội “kín” không cho báo chí tham dự. Kết quả vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF, người trúng cử chỉ ngồi ghế hơn 6 tháng rồi xin rút, đến giờ VFF chưa tìm được người thay thế.

Phải chăng ông Núp đang nắm quá nhiều bí mật của VFF nên Ban Kỷ luật đành phải buông. Những lời đồn thổi về kiểu xử lý kỷ luật của bóng đá Việt Nam kiểu “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người” không phải không có căn cứ?

 

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần