Ẩn số của Bộ tứ Kim Cương

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tương tự như trận sóng thần khủng khiếp năm 2004 đã thúc đẩy sự hình thành Bộ tứ Kim Cương, cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu hiện nay được kỳ vọng sẽ tạo ra một kỷ nguyên hợp tác mới cho nhóm hợp tác chiến lược này.

Trước khi đại dịch bùng phát, các hoạt động kinh tế của 4 thành viên Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, của nhóm Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) - hay còn gọi là Bộ tứ Kim Cương - là rất đáng kể. Nhóm này đại diện không chỉ 1/4 dân số thế giới - 1,8 tỷ người - mà còn hơn 1/4 GDP toàn cầu. Giao dịch giữa các nền kinh tế QUAD đạt 440 tỷ USD trong năm 2018, trong khi Bộ tứ giao dịch gần 6.000 tỷ USD với phần còn lại của thế giới. Năm 2018, ở 4 nền dân chủ hàng hải ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương này cũng nắm giữ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 8,7 nghìn tỷ USD.
Hơn cả những con số, có nhiều lý do để tin rằng sự phục hồi nhanh chóng hậu đại dịch của các nền kinh tế QUAD sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho 4 thành viên của nó, mà còn hỗ trợ các đối tác kinh tế của nhóm ở những nơi khác trong Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Xác định lại mục tiêu
Sau hơn 10 năm im ắng, trước những gì đại dịch Covid-19 gây ra, Mỹ “hâm nóng” lại Bộ tứ Kim Cương với hy vọng tạo ra được cú hích, vực dậy nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên kể từ khi QUAD lần đầu tiên được khái niệm hóa vào năm 2007, mục tiêu của nhóm được cho vẫn chưa thực sự rõ ràng.
 Lãnh đạo quốc gia Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ gặp gỡ tại G20 Osaka.
Nhóm vốn cam kết bảo đảm một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và toàn diện dựa trên các giá trị và nguyên tắc chung và tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên mãi đến gần đây, Bộ tứ này dường như mới cảm thấy cần có sự tham gia của các quốc gia Đông Nam Á - trung tâm của chiến lược.
Bên cạnh đó, đã có nhận định phổ biến như được ngầm thừa nhận từ lâu rằng QUAD thực chất là một liên kết an ninh để hạn chế sự bành trướng trong khu vực của Trung Quốc. Nhưng kết quả là cả 4 quốc gia thành viên thường xuyên vướng vào các cuộc đụng độ, tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Như Phó Chủ tịch Quỹ hàng hải Ấn Độ Anil Jai Singh nhận định trên The Diplomat: “Rõ ràng sẽ không thông minh nếu QUAD thực sự xem đối trọng với Trung Quốc là mục tiêu”. Nhà nghiên cứu Dhruva Jaishankar, thuộc Viện Brookings Ấn Độ cũng quả quyết rằng Bộ tứ Kim Cương sẽ không trở thành NATO của châu Á. Do đó, nhiều khả năng QUAD sẽ là cơ chế hợp tác “không hiệp ước”, chỉ nhằm khai thác lợi thế kinh tế sẵn có để tạo lập hòa bình, ổn định khu vực.
Như vậy để thấy, việc nối lại đối thoại sau nhiều năm gián đoạn của Bộ tứ mới đây, cùng với lời kêu gọi mở rộng cơ chế hợp tác với một số nước khác - gồm Hàn Quốc, New Zealand, Việt Nam - trọng tâm của QUAD lúc này được cho là nhằm phục hồi kinh tế nhanh chóng và hiệu quả hậu gián đoạn Covid-19. Trong đó, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm dần phụ thuộc vào Trung Quốc trở thành tất yếu do thực tế đặt ra đối với các bên tham gia, thay vì chỉ phục vụ mục đích cá nhân của bất cứ quốc gia nào như nhiều nghi ngại hiện nay.
Điểm chung của các nước được mời tham gia Bộ tứ mở rộng, hay còn gọi là QUAD +, đều là những quốc gia được đánh giá cao về ứng phó với đại dịch. Bởi ngoài việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cơ chế hợp tác sẽ bao gồm việc chia sẻ các kinh nghiệm và khoa học công nghệ để chống dịch, chẳng hạn như nghiên cứu vaccine, sản xuất thiết bị, phương pháp ngăn ngừa lây nhiễm… Trong khi đó, mức độ thuận lợi của con đường giao thương tại châu Á cũng phụ thuộc vào tình hình an ninh tại Biển Đông hay eo biển Malacca.
Còn nhiều ẩn số
Vào thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, đặt ra yêu cầu về việc xây dựng lại mô hình thương mại thế giới, Mỹ được cho sẽ tận dụng mạng lưới liên minh trong khu vực, bao gồm QUAD, để tăng cường sự lãnh đạo của mình trong các ngân hàng phát triển đa phương.
Và để giữ các đối tác, đồng minh của mình không lung lay một cách hiệu quả nhất lúc này, Washington chắc chắn cần phải thu hút các quốc gia thông qua thương mại và phát triển, hướng tới việc phục hồi lẫn nhau trong cuộc chiến với một “đại dịch kinh tế” đang ở trước mắt. Điều này lý giải vì sao kế hoạch về Mạng lưới kinh tế thịnh vượng của Mỹ, rò rỉ trên truyền thông hồi tháng trước, lại gây chú ý đến vậy.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay sẽ là một trong những ẩn số, có ý nghĩa quyết định không chỉ đối với chính trị trong nước, mà còn đối với việc định hình lại trật tự thế giới hậu Covid-19. Từ nay đến tháng 11, vẫn chưa rõ liệu QUAD có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể nào trong vấn đề lãnh đạo và tham gia của các thành viên và đối tác hay không.
Bên cạnh đó, nỗ lực của Washington để thu hút sự ủng hộ của các nước Mỹ Latinh như Brazil và các quốc gia châu Phi hiện vẫn ở trong tình trạng ảm đạm, một phần do các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào khu vực, nay còn được bổ sung bằng “sức mạnh mềm” viện trợ và ngoại giao y tế của Bắc Kinh trong mùa đại dịch. Điều này chắc chắn buộc các quốc gia phải đắn đo trước lời mời tham gia một liên minh có ít nhiều yếu tố chống lại Trung Quốc.
Và như đã nói ở trên, tình hình bất ổn ở Biển Đông là thách thức cho tương lai hợp tác của QUAD.
Ngay cả trong thời điểm rối ren đại dịch, điểm nóng này liên tục chứng kiến hành vi tuần tra trái phép của tàu Trung Quốc, cho thấy sự tiếp nối “chiến thuật Salami” của nước này, đe dọa an ninh của một trong những huyết mạch thương mại châu Á.
Việc Washington triển khai hệ thống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc và tăng cường ngân sách cho Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ ở Ấn Độ một phần cho thấy những kết nối cần thiết của các đồng minh trong khu vực, nhưng mặt khác cũng có thể đẩy nguy cơ đụng độ giữa 2 “gã khổng lồ” Mỹ - Trung lên đỉnh điểm.
Cuối cùng, khi mà một liên kết khu vực vì thịnh vượng kinh tế cũng không thể tránh khỏi mâu thuẫn chính trị ở thế đối đầu với Trung Quốc, dường như đã có những dấu hiệu e ngại rằng Mỹ liệu có thể là đối tác đáng tin cậy? Điều này thể hiện rõ nhất từ trường hợp New Delhi gần đây thẳng thừng từ chối lời đề nghị hòa giải của Washington trong cuộc đối đầu tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.
Trước lời mời vào Mạng lưới kinh tế thịnh vượng của Mỹ, đồng minh thân cận Hàn Quốc cũng tỏ ra thận trọng rõ ràng, khi quan chức Nhà Xanh né tránh kết luận về một sáng kiến vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Theo The Dilopmat, đã qua rồi cái thời bảo đảm an ninh của Mỹ là “bữa trưa miễn phí”.

"Rõ ràng sẽ không thông minh nếu QUAD thực sự xem đối trọng với Trung Quốc là mục tiêu" - Phó Chủ tịch Quỹ hàng hải Ấn Độ Anil Jai Singh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần