An toàn thực phẩm: Vẫn nhiều nỗi lo

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, ATTP vẫn đang là nỗi lo thường trực đối với hầu hết các địa phương, bao gồm cả Hà Nội.

Vi phạm diễn ra phổ biến
Báo cáo công tác giám sát ATTP mới đây của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho thấy, trong số 196 mẫu thực phẩm được lấy mẫu phân tích, cơ quan chức năng đã phát hiện 12 mẫu (chiếm 6,1% tổng số mẫu) có chứa chỉ tiêu vi sinh và hoạt chất vượt ngưỡng an toàn cho phép như Salmonella, Leucomalachite Green, Enrofloxacine hay Chloramphenicol.
Lực lượng liên ngành TP Hà Nội tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn 

thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lâm Nguyễn

Công tác kiểm tra liên ngành cũng cho thấy những con số khiến nhiều người không khỏi... giật mình. Trong tổng số 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra từ đầu năm 2018 đến nay, có tới 15 cơ sở có vi phạm một trong các điều kiện sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình kiểm tra hàng hóa, liên ngành cũng đã phát hiện 3.612kg sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 1.150kg sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa.

Dù các trường hợp vi phạm diễn ra rất phổ biến, tuy nhiên, chế tài xử lý dường như vẫn chưa đủ mạnh. Thực tế, từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội mới ban hành 11 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 105 triệu đồng.

Kiện toàn chính sách quản lý

Trước tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Theo kế hoạch, từ nay tới cuối năm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra 91 lượt cơ sở chế biến nông lâm thủy sản. Đồng thời, lấy mẫu giám sát 265 mẫu thực phẩm chế biến, tươi sống tại các chợ đầu mối. Cùng với đó, đơn vị sẽ hỗ trợ phát triển 2 chuỗi rau, 2 chuỗi thịt xây dựng nhãn hiệu, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, tuyên truyền quảng bá, đồng thời, giám sát định kỳ các chỉ tiêu ATTP đối với sản phẩm của chuỗi. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tư vấn và chứng nhận nhằm hỗ trợ 5 cơ sở xây dựng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn HACCP.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành đầy đủ quy định mức giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu về ATTP, làm căn cứ để xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, sửa đổi bổ sung các Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT phù hợp với tình hình triển khai thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Trần Mạnh Giang cũng cho rằng, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất lượng ATTP, trong khi lực lượng này của Hà Nội trên thực tế còn rất thiếu. Do đó, các sở, ngành cần sớm nghiên cứu, tham mưu UBND TP phương án kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản từ cấp TP đến các quận, huyện, thị xã, căn cứ theo Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV của Bộ NN&PTNT và Bộ Nội vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần