Ấn tượng từ những vở cải lương đất Bắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 đang diễn ra, nổi bật lên là những vở diễn về đề tài lịch sử được dàn dựng công phu, hoành tráng.

 

 KTĐT - Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 đang diễn ra, nổi bật lên là những vở diễn về đề tài lịch sử được dàn dựng công phu, hoành tráng. Và một điều khá bất ngờ là vở diễn của các đoàn cải lương phía Bắc, đặc biệt là Nhà hát cải lương Việt Nam và Nhà hát cải lương Hà Nội với các vở đề tài lịch sử lại được đánh giá cao.

Vở diễn sáng giá nhất phải nói đến "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" của tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai. Vở diễn đã tạo được hiệu quả về hình thức, lối dẫn chuyện, gây xúc động cho người xem. Câu chuyện về vị tướng Lý Thường Kiệt đã được nhiều vở diễn kể lại theo nhiều cách, nhưng ở đây, dư vị của nó là sự tươi mới của cảm xúc và tính tư tưởng của vở. Đạo diễn đã thể hiện tài năng của mình và để lại dấu ấn riêng. Với lối dàn dựng nhiều biến hóa khiến câu chuyện tự yếm mình vì nghĩa cả, vì non sông của danh tướng Lý Thường Kiệt trở nên bi tráng, hào hùng và đầy nỗi đau thế sự. Dàn diễn viên đảm nhiệm tuyến nhân vật chính có đầy đủ nội lực trong ca diễn như Lý Thường Kiệt (diễn viên Mạnh Hùng), Thuần Khanh (diễn viên Thu Trang), Thượng Dương hoàng hậu (diễn viên Thiên Hoa)... liên tục đẩy vở diễn đến những cao trào. Cách dàn dựng mạnh mẽ nhưng đầy nữ tính của Quỳnh Mai đã đem đến cho hội diễn nhiều cảm xúc tươi mới. Mối tình của Lý Thường Kiệt với nàng Thuần Khanh trở thành một sợi dây thật đẹp để nhân vật bám vào đi xuyên suốt kịch bản, lung linh, mềm mại, nhân văn.

 

Cùng đến từ Nhà hát cải lương Việt Nam, vở “Đế đô sóng cả” của tác giả, đạo diễn trẻ Triệu Trung Kiên cũng là vở diễn hay, sâu sắc, với lối kể chuyện lịch sử thâm trầm nhưng không kém phần gay cấn. Lấy cột mốc là thời điểm chuyển giao quyền lực giữa nhà Ðinh và nhà Lê, xen giữa những sự kiện lịch sử nóng bỏng và gay gắt là mối quan hệ của ba nhân vật chính: Ðinh Tiên Hoàng - Dương Vân Nga - Lê Hoàn, chính điều này đã góp phần làm sáng mối quan hệ tình cảm giữa Lê Hoàn và thái hậu Dương Vân Nga. Trong vở này, Triệu Trung Kiên ngoài vai trò tác giả, đạo diễn, còn đảm nhiệm vai vua Ðinh Tiên Hoàng. Một chút hư cấu hợp lý để cho thấy phía sau cánh màn nhung triều đình là những âm mưu dữ dội mà bà hoàng Dương Vân Nga tuổi đôi mươi đã phải chống đỡ. Vì thế dễ hiểu tại sao có lúc bà phải gục đầu vào vai vị dũng tướng để tìm một sự nương tựa, chở che. Dương Vân Nga rất đời, rất người là ở điểm ấy. NSƯT Vương Hà đã rất tài hoa đặc biệt trong đoạn độc thoại của Dương Vân Nga bộc bạch về những mâu thuẫn trong nội tâm của bà cũng như lời thề tìm cho ra kẻ giết vua. Vở diễn hấp dẫn bởi được xây dựng theo một cốt truyện ly kỳ, nhưng rất nhân văn về các nhân vật lịch sử.

 

Hai vở của Nhà hát cải lương Hà Nội "Lễ mở xiêm áo" của tác giả Nguyễn Khắc Phục và "Đại thần Thăng Long" của tác giả Nguyễn Anh Biên, đều do NSƯT Quang Hùng dàn dựng, không nhiều đột phá, nhưng vì chú trọng khai thác tính hấp dẫn của câu chuyện và có sự trau chuốt trong diễn xuất của nghệ sĩ. “Lễ mở xiêm áo” thực sự là món quà đầy ý nghĩa hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vở diễn là câu chuyện lịch sử được hư cấu nhưng người ta lại cảm động vô cùng, bởi trong đó nêu được hình tượng những con người Việt Nam yêu nước, quên mình, sáng ngời tinh thần dân tộc quyết đương đầu với phương Bắc xâm lăng. Lê Thái sư cầm cân nẩy mực, đau lòng giết cả con trai vì không tuân quân lệnh. Ngược lại, ông không nhỏ nhen trừ khử chàng trai trẻ vì biết chàng là nhân tài cần cho đất nước. Chàng trai trẻ cũng hy sinh thân mình để cứu lấy giang sơn. Thú vị nhất là khán giả có cơ hội hiểu thêm về ca trù. Vở diễn phá tan định kiến về những đào nương, khiến người ta trân trọng họ hơn, bởi họ là sứ giả của văn hoá Việt, và họ cũng có cuộc đời trong sáng,biết yêu thương, một lòng vì nước quên mình.

 

“Đây cũng là cảm hứng anh hùng và cảm hứng yêu nước của những người nghệ sĩ", như lời nhà văn Nguyễn Khắc Phục, trong thời khắc chứa đựng những hồi tưởng nghiêm trọng về vận mệnh đất nước và những ân oán lịch sử, để luôn nhắc nhớ mọi người về dân tộc Việt Nam luôn can đảm và tỉnh táo, không khoan nhượng trước tất cả những thử thách. Đạo diễn Trần Anh Hùng cũng ăn ý với nhà văn Nguyễn Khắc Phục khi đã truyền được đầy đủ thông điệp đến với người xem qua câu chuyện kịch mang đậm dấu ấn lịch sử, nhưng cũng tràn trề hơi thở thời đại. Hai nghệ sĩ tài năng trẻ Hồng Nhung (vai Đào Mây) và Hoàng Viện (vai Hoàng Cương) cùng dàn diễn viên trẻ của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã thể hiện tốt các vai diễn bằng lối biểu cảm nhuần nhuyễn và sắc nét, bằng cách xử lý thông minh và tâm huyết với nghề, cuốn người nghe vào mạch chuyện của một kịch bản vốn rất nhiều chi tiết và sự kiện.

 

Tuy đi quá nhiều về lịch sử, nhưng những vở diễn tham gia hội diễn lần này vẫn lồng ghép được các vấn đề đương đại, lịch sử mà không bị cũ mòn, tác giả và đạo diễn vẫn phát huy được nhiều sự sáng tạo, đó là một điều đáng ghi nhận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần