Anh: Bắt giữ thêm 2 nghi phạm trong vụ tấn công ở London

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảnh sát Anh mới bắt thêm 2 đối tượng liên quan tới vụ tấn công khủng bố gần tòa nhà Quốc hội nước này hôm 22/3.

Bên cạnh đó, đại diện cảnh sát Anh cũng công bố tên khai sinh của kẻ tấn công là Adrian Russell. Cảnh sát Anh kêu gọi người dân cung cấp thông tin về đối tượng Russell. Chỉ huy lực lượng cảnh sát chống khủng bố Mark Rowley cho hay, họ đã bắt thêm hai đối tượng quan trọng trong đêm 23/3.

 Người dân tưởng niệm những nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố gần tòa nhà Quốc hội Anh.

Ông xác nhận sau khi thả một đối tượng nữ, hiện cảnh sát còn giam giữ 9 đối tượng liên quan tới vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Anh làm 5 người thiệt mạng nói trên. Cũng liên quan đến thông tin về quá trình điều tra vụ việc, người đứng đầu cơ quan chống khủng bố quốc gia của Anh nói rằng, đã có hai vụ bắt giữ “quan trọng” vào đêm 23/3. Trong đó, một vụ ở West Midlands và vụ còn lại ở khu vực tây bắc nước Anh.

Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố nói trên, cảnh sát cho biết đã tiến hành các vụ đột kích ở London, Birmingham, ở Brighton và Carmarthenshire ở South Wales, bắt giữ 8 đối tượng để tìm manh mối liên quan tới vụ việc. “Điều tra của lực lượng chống khủng bố tập trung tìm hiểu về động cơ, hoạt động cũng như những đồng phạm của đối tượng tấn công. Hiện tại, việc điều tra cũng đang đi theo hướng, bao gồm khả năng nghị phạm hoạt động cá nhân, chịu ảnh hưởng từ tuyên truyền khủng bố hoặc bị người khác chỉ đạo”, ông Rowley nói.

Trong bối cảnh an ninh có nhiều diễn biến phức tạp, giới chức an ninh châu Âu cho biết, hoạt động chia sẻ thông tin tình báo về các mối đe dọa tiềm tàng đã tăng gấp 10 lần trong vòng 1 năm qua, song cảnh báo việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, có thể khiến Xứ sở Sương mù đối diện nguy cơ bất ổn an ninh.

Trên toàn châu Âu, công tác siết chặt an ninh đang được tăng cường thông qua việc sắp xếp lại cơ sở dữ liệu, tăng cường điều tra các vụ giả mạo giấy tờ và đẩy mạnh hoạt động theo dõi các cá nhân bị tình nghi.

Anh là một trong ba nước sử dụng nhiều nhất dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) vốn có chức năng giúp các nước EU đối phó với tội phạm có tổ chức, tội phạm mạng và các nhóm tay súng xuyên biên giới. Ngoài ra, London cũng tham gia các nghị định thư chia sẻ tin tình báo trong thỏa thuận Schengen, cũng như thỏa thuận trao đổi dữ liệu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không giữa các cơ quan an ninh EU. Tuy nhiên, trước tương lai nước này rời EU, các chuyên gia cho rằng Anh sẽ phải dựa vào những mối quan hệ riêng rẽ với chính phủ 27 nước thành viên EU khác.

Các nhà ngoại giao EU đã từ chối bàn thảo về tương lai hợp tác quốc phòng và an ninh với Anh cho đến khi nước này kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, dự kiến vào ngày 29/3 tới, chính thức khởi động tiến trình đàm phán rời EU.