Anh chấp nhận trả ít nhất 24 tỷ USD cho EU sau Brexit

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều tháng đàm phán Brexit không mấy tiến triển, Thủ tướng Anh Theresa May đã có bài phát biểu để đưa các cuộc đàm phán đi đúng hướng và khẳng định quyền lực.

Trong bài phát biểu tại TP Florence (Italia), Thủ tướng Anh đưa ra viễn cảnh về mối quan hệ trong tương lai với EU và cố gắng lấp đầy khoảng trống chính sách. Nữ Thủ tướng Anh cũng chủ đích chọn một TP của EU để diễn thuyết, với mong muốn có thể nói chuyện trực tiếp với 27 quốc gia khác trong khối.
 Thủ tướng Anh Theresa May.
Kể từ khi Đảng Bảo thủ của bà May mất quyền kiểm soát đa số ghế ở Quốc hội trong cuộc bầu cử sớm vào tháng 6, nữ Thủ tướng Anh vẫn giữ yên lặng về vấn đề Brexit. Các phản ứng của người đứng đầu Chính phủ Anh hầu như rất ít ỏi, chủ yếu là bày tỏ sự ủng hộ cho "một mối quan hệ sâu sắc và đặc biệt" với EU này sau khi nước Anh rời khỏi khối vào tháng 3/2019.
Nhiệm vụ hiện nay đặt ra cho Thủ tướng Anh không hề dễ dàng. Bà May đang phải khéo léo “đi trên dây” giữa 2 luồng ý kiến: Một bên là những người theo phe bảo thủ, ủng hộ một lựa chọn Brexit “cứng” - mong muốn các khoản thanh toán phải chi cho EU càng nhỏ càng tốt và một bên là những người cho rằng, London nên trả tiền để giữ mối quan hệ giữa Anh và EU càng mật thiết càng tốt.
Đảng Lao động đối lập tuyên bố sẽ nỗ lực để Anh tiếp tục trong thị trường châu Âu và liên minh thuế quan trong khi Đảng Dân chủ Tự do đang yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai. Không những vậy, vài ngày trước bài phát biểu, Ngoại trưởng Boris Johnson đã đưa ra tầm nhìn của riêng mình về Brexit, mâu thuẫn với cách tiếp cận thận trọng của Thủ tướng Anh và phơi bày các khác biệt trong nội các dưới thời Thủ tướng May.
Ngoại trưởng Anh tuyên bố, ông không mong đợi nước Anh trả tiền cho việc tiếp cận thị trường EU. Ý kiến này trái ngược với mong muốn Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Thủ tướng Theresa May. Cả Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng Anh đều đã đề cập đến việc thanh toán “hóa đơn” ly hôn cho EU.

Trong bối cảnh này, bài phát biểu của bà May được xem là lời "phán quyết" cho chính sách Brexit của London và chứng minh quyền lực của mình.

Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi chuyển đổi 2 năm sau Brexit, trong đó Anh sẽ duy trì mối quan hệ hiện tại với Brussels. Đóng góp của Anh trong 2 năm ít nhất sẽ là 20 tỷ Euro (24 tỷ USD) - mặc dù con số này thấp hơn dự đoán của châu Âu.

Bà May cũng hứa hẹn sẽ đáp ứng các cam kết ngân sách hiện tại của EU tại Anh cho đến năm 2020 và vạch ra những đảm bảo pháp lý mới cho quyền lợi của khoảng 3 triệu người châu Âu sinh sống tại Anh.

Vòng đàm phán thứ tư với Ủy ban châu Âu sẽ được bắt đầu vào tuần tới, khi London muốn hoàn thành xong các điều khoản "ly hôn" để có thể nhanh chóng chuyển sang đàm phán vấn đề thương mại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần