Anh có quyền im lặng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh trước tòa án. Anh có quyền nói chuyện với luật sư, và có luật sư hiện diện trong quá trình xét hỏi…”.

KTĐT - “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại anh trước tòa án. Anh có quyền nói chuyện với luật sư, và có luật sư hiện diện trong quá trình xét hỏi…”.

Câu nói cửa miệng của những cảnh sát khi bắt giữ nghi phạm có tên Miranda warning (Lời cảnh báo Miranda), xuất phát từ việc Ernesto Miranda được tuyên trắng án chỉ vì không biết có quyền im lặng và quyền có luật sư. Dù ông này đã nhận tội bắt cóc, nhưng trong phiên tòa, Miranda phản công lại rằng cảnh sát đã cưỡng bức ông nhận tội khi tiến hành xét hỏi…

“Tất cả mọi người đều phải im lặng khi đến Bayern. Tất cả những gì các anh nói trước báo chí không nhằm mục đích xây dựng đội bóng đều phạm luật. Tất cả những cuộc tiếp xúc với báo giới đều phải thông qua BLĐ CLB”. Chỉ thị này đã được truyền đạt ở Bayern từ nhiều năm qua, tồn tại như một chân lý không thể thay đổi. Lahm, van Bommel, Ribery hay bất kỳ ai còn nhận lương của Bayern, đương nhiên phải chấp hành. Việc đưa cuộc khủng hoảng của đội ra mổ xẻ trước công luận đương nhiên sẽ khiến các lãnh đạo cảm thấy bị “qua mặt” và “nóng mắt”. Chỉ có điều, chẳng có luật sư nào bên cạnh những “tội nhân” và cũng chẳng có lời cảnh báo Miranda nào hết!

Vấn đề của cái gọi là “quyền im lặng” ấy nằm ở việc họ nói những gì. Hai năm trước, Uli Hoeness từng hét toáng lên trong cuộc họp cổ đông đại ý rằng, những phòng VIP được dành cho các khán giả VIP với giá vé gấp hàng chục lần một ghế trên khán đài, những người bỏ tiền mua một chỗ ngôi riêng trong phòng kính, có điều hòa, rượu vang, đồ nhắm… mới là những người nuôi sống CLB. Phát biểu ấy khiến Bayern mất một lượng lớn CĐV, tạo nên làn sóng phản đối dữ dội, làm uy tín U.Hoeness giảm sút nghiêm trọng. Câu chuyện đó được giấu đi!

Tất cả những gì P.Lahm nêu ra đều là những thứ mà bất kỳ ai cũng nhận ra. Cuộc khủng hoảng của Bayern không giấu được ai. Những sai lầm của BLĐ Bayern đều rõ ràng. Những điểm yếu của Bayern đều đã bị bóc trần. Và việc Lahm “trút bầu tâm sự” những điều cũ kỹ kia cũng bị xem là “phản nghịch” chứ không được coi là những ý kiến đóng góp.

Khi đó, sự trừng phạt của Bayern chỉ cho thấy họ không biết lắng nghe, quá bảo thủ, ương ngạnh và không dám nhìn thẳng vào sai lầm của mình. Có lẽ, lời cảnh báo Miranda phải dành cho Hoeness, Rummenigge…

Lahm đã nói gì?

“Khi CLB quyết định mua Mario Gomez (35 triệu euro), tôi đã nói rằng Bayern sẽ chơi với 2 tiền đạo. Nhưng khi Robben và một số người nữa đến, chúng tôi đã không hiểu chuyện gì xảy ra bởi lẽ, bất kỳ CLB nào cũng không nên mua một cầu thủ chỉ vì họ là ngôi sao”.

“Từ trước tới nay, không phải lúc nào Bayern cũng hài lòng với những bản hợp đồng mới. Các CLB lớn như M.U, Barca luôn tạo ra một hệ thống thi đấu rồi mua các cầu thủ dựa vào hệ thống đó. Nhưng Bayern thì không làm như vậy”.

“Nhiều lúc tôi không hiểu mình đang làm gì. Chúng tôi cứ tập luyện nhưng rút cuộc tôi tự đặt ra câu hỏi: Chúng tôi sẽ chơi như thế nào?”.

“Tôi cho rằng vấn đề của Bayern nằm ở hàng tiền vệ. Ai là người giữ nhịp thế trận, ai là người chuyền bóng…? Chẳng có gì rõ ràng cả”.