Anh hớt tóc làm thiện nguyện ở Quảng Ngãi: “Không phải giàu mới có thứ để cho”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mỗi sớm mai thức dậy, thấy nắng tỏa trong sân, chim hót líu lo trên cành, tôi lại dâng tràn cảm xúc. Cảm ơn đời, cảm ơn cuộc sống kỳ diệu…. Và tôi luôn nghĩ rằng, phải làm cho cuộc sống này đẹp và ý nghĩa hơn”, Lê Minh Tân (44 tuổi, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) mở đầu câu chuyện của mình bằng những câu nói nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc.

Tuổi thơ cơ cực
Dưới tán cây xanh trong vườn, ấm trà nóng hổi được Tân bày ra để mời khách. Nhấp ngụm nước, Tân thong thả: “Ngó đó mà làm cái công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này hơn chục năm rồi. Hồi xưa mình khổ cực, mẹ mất khi đứa em út chỉ mới sinh vài tháng… Mình lớn nhất nhà nên cũng bon chen kiếm tiền từ sớm”.
 Lê Minh Tân cắt tóc miễn phí cho một cụ già.
Tân dõi mắt nhìn xa xăm, hồi tưởng. Cuộc sống của Tân vất vả, mẹ mất khi anh đang học lớp 9, sau anh còn 5 đứa em nhỏ. Tân phải nghỉ học để phụ cha nuôi các em ăn học. “Tôi muốn làm thợ điêu khắc, nhưng cha không có tiền cho đi học, mẹ bệnh nan y nên bao nhiêu tiền của trong gia đình đều giành để lo thuốc thang cả. Cha đã dẫn tôi đến tiệm cắt tóc để học nghề. Cha cũng chật vật lắm mới lo được tiền học cho tôi, vì ngày ấy kiếm được bữa cơm đã khó rồi”, Tân nhớ lại.
Học xong, không có tiền để mua dụng cụ và mở quán, Tân lại xuôi về phương Nam. 1 năm lăn lộn nơi đất khách, đủ số vốn trong tay, Tân trở về quê hương. Quán cắt tóc nhỏ nơi huyện vùng cao hình thành từ đó. Thạo nghề, lại chịu thương chịu khó nên cuộc sống gia đình dần được cải thiện. 
“Cắt tóc là nghề nuôi sống bản thân và gia đình, tuy không giàu có gì nhưng cũng có chút dư dả. Làm nghề một thời gian thì nhận thấy nhiều gia đình có cha mẹ, người thân đau yếu nhờ tôi đến tận nhà cắt tóc. Người già đi lại khó khăn, nhưng nhu cầu cắt tóc cũng như bao người. Từ đây, trong tôi hình thành ý tưởng sẽ đi cắt tóc giúp những người không thể đến tiệm”, Tân chia sẻ.
Thế là hơn một thập kỷ qua, anh Tân đã trở thành “bạn” của không biết bao nhiêu cụ già, người bệnh tật. Mỗi tháng 2 ngày, vào dịp rằm, mùng một, Tân lại đi con xe cà tàng, cắt tóc miễn phí cho các cụ già, neo đơn, đau ốm, bệnh tật trong thị trấn. Nếu nhà nào có con cháu thì đỡ ông bà, cha mẹ phụ anh, còn không có thì anh Tân phải tự bế các cụ để ngồi vào ghế rồi cẩn thận hớt tóc.
“Có cụ mỗi lần tôi đến nhà hớt tóc đều bật khóc vì xúc động. Cũng nhiều cụ già con cháu thiếu quan tâm, tôi đến thì họ tỏ thái độ khó chịu, nhưng tôi chẳng bao giờ để buồn phiền. Người cần tôi giúp là các cụ già, nếu sân si với con cháu họ thì đã không làm việc này”, Tân chia sẻ.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi đi và bất ngờ rẽ sang một trang mới bởi cuộc gặp gỡ định mệnh giữa anh thợ cắt tóc với 4 cha con người đồng bào.
“Đó là năm 2013, trước tết, trời lạnh cắt da cắt thịt. Ngồi trong quán nhìn ra thấy có người cha chở 3 đứa con dừng ngay gần quán. Mấy đứa nhỏ quần áo mỏng manh, ướt sũng dưới cơn mưa nặng hạt. Thấy môi tụi nhỏ tím hết lại mà tim mình như hẫng một nhịp. Thấy tội nên kêu mấy cha con vào quán rồi vội tìm vài cái áo ấm để đưa các em mặc. Tôi nhớ khuôn mặt tụi nhỏ rạng ngời khi khoác lên những chiếc áo cũ nhưng lại quá đẹp đẽ với các em”, Tân kể.
Mấy cha con về rồi, Tân cứ ngồi thần người ra nghĩ ngợi: “Ừ thì tụi nhỏ miền núi đứa nào cũng vậy, thiếu ăn thiếu mặc. Làm sao đây?”.
Vài ngày sau đó, Tân xách xe chạy lên xã Trà Thanh, đây cũng là một xã nghèo, đời sống người dân rất khó khăn của huyện Trà Bồng. Khi ấy, trong túi Tân chỉ dắt tạm vài chục nghìn. Đi vội nên đói, Tân vào quán ven đường mua gói mỳ tôm ăn qua bữa. Đang ăn thì thấy một tốp 4,5 đứa nhỏ đi qua, trong số đó có 1 đứa cầm tờ 2.000 đồng để mua kẹo. Ngang qua chỗ Tân, tụi nhỏ thấy anh ăn mỳ thì nhìn mãi, có đứa còn nuốt nước miếng. Tân bỏ dở bát mỳ, đứng lên, còn bao nhiêu tiền vét sạch mua mỳ và kẹo cho tụi nó.
 Lê Minh Tân trong một chuyến đi thiện nguyện ở vùng cao.
Rồi Tân lặn lội xuống thôn bản, tận mắt chứng kiến kham khổ cuộc sống của người đồng bào. Trở về, Tân bàn cùng những người bạn đi xin quần áo cũ để trở lại điểm trường ở Trà Thanh: “Đợt đó gom được mớ quần áo cũ nhưng lành lặn, tôi với nhóm bạn cùng làm cùng nghề tới trường cắt tóc cho tụi nhỏ. Đứa nào đứa nấy đầu tóc bù xù, nhem nhuốc, quần áo tả tơi. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã cắt cho cả trăm học sinh. Cắt xong, các em được cô giáo đưa vào tắm rửa, mặc quần áo tươm tất… Lúc ra, nhìn đứa nào đứa nấy sáng sủa hẳn mà anh em trong nhóm cứ cười ngẩn ngơ. Đấy là chuyến đi tôi không bao giờ quên”.
Sau chuyến đi, tinh thần của Tân cứ lan tỏa dần và thu hút được nhiều bạn trẻ cùng chí hướng. Năm 2014, anh thành lập nhóm “Nhịp cầu yêu thương” với công việc chủ yếu là hớt tóc miễn phí cho các em nhỏ ở thôn làng vùng núi rồi phát triển rộng ra, thực hiện thêm nhiều hoạt động ý nghĩa khác như tặng nhu yếu phẩm, vật dụng dùng trong sinh hoạt, sản xuất...
Không phải giàu mới có thứ để cho
Cụ Trần Rệ (88 tuổi) nằm liệt giường đã nhiều năm. Thấy “người quen” ghé thăm, cụ Rệ vui vẻ hẳn. Anh Tân cắt tóc cho cụ đã hơn 5 năm nay, mỗi lần đến, cụ đều nắm tay anh vui sướng. Xoẹt! Xoẹt… Chỉ với vài đường kéo dứt khoát, mái tóc bờm xờm đã nhanh chóng thẳng thớm, gọn ghẽ. “Cắt tóc rồi thì đỡ nóng hơn, mà lại không tốn tiền nên rất mừng”, cụ Rệ cười nói.
Từ khi thành lập nhóm “Nhịp cầu yêu thương”, Tân một mặt phát triển nhóm, mặt khác vẫn duy trì việc cắt tóc miễn phí cho các cụ già, đau ốm, không có khả năng đi lại ở thị trấn.
Vừa cắt tóc mưu sinh vừa làm thiện nguyện nên Tân khá bận rộn, có lúc phải đi tỉnh bạn nhiều ngày để học hỏi thêm kinh nghiệm. Mải mê lo “chuyện bao đồng”, không phân bổ được thời gian hợp lý nên bao nhiêu việc nhà, vợ phải cáng đáng hết.
“Vợ cũng có phàn nàn, nhưng mình cứ thủ thỉ: “Thường 1 tháng người ta có 4 ngày nghỉ, đây tôi chỉ nghỉ 2 ngày thôi, 2 ngày đó, mình để tôi đi làm thiện nguyện”. Vợ thấy tha thiết quá, nên lại cố gắng chu toàn để chia sẻ. Có đi nhiều hơn, vợ cũng thông cảm. Kể ra, vợ là người khổ nhất”, Tân bồi hồi.
Hơn 10 năm qua, khắp các bản, làng, thôn, xóm vùng cao, không có nơi nào mà Tân chưa đặt chân tới. Nhiều lần đi về miền núi xa xôi, Tân thấy rằng, ở nơi núi cao, nguồn nước sạch chưa kéo tới, đa phần người dân dùng nước suối để sinh hoạt hàng ngày. Khi miền Trung khô hạn khốc liệt, nước suối đầu nguồn cũng cạn kiệt, người dân phải xách xô đi cả chục cây số để tìm nước.
“Trên vùng núi bây giờ trồng toàn cây keo, mà rễ keo bám chặt đất, làm đất bạc màu, khô cằn. Lá keo rụng xuống khiến cây cỏ chết sạch, dẫn đến nguồn nước ngầm trong lòng đất, suối rừng cạn kiệt, phải kiếm cách khoan giếng nước cho bà con thôi”, Tân nghĩ.
Nói là làm, thông qua mạng xã hội và các mối quan hệ, Tân bắt đầu kêu gọi hỗ trợ để khoan giếng nước ở những khu vực đang gặp khó khăn.
Từ năm 2019 đến nay, Tân đã kết nối hỗ trợ khoan 6 giếng nước với tổng kinh phí 240 triệu đồng. Có giếng rồi, anh đi xin cả máy lọc nước để giúp các em có nước sạch dùng tại trường. “Tôi chỉ có công đi đến các điểm trường nơi các em cần sự giúp đỡ và bằng các mối quan hệ để kêu gọi mạnh thường quân. Tôi cảm ơn những người thầm lặng giúp các em có được giếng nước, nhất là khi thời tiết ngày càng khắc khiệt, nắng nóng kéo dài hơn”, anh nói.
Thầy Trương Quang Kỳ - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH-THCS Trà Bùi, cho biết: “Anh Tân đã kêu gọi hỗ trợ cho trường một giếng khoan, phục vụ cho gần 150 em học sinh và cán bộ giáo viên nhà trường bám trụ tại đây. Anh Tân còn xin cho nhà trường 2 máy lọc nước nữa, giáo viên, học sinh, ai cũng mừng”.
 Em Hồ Văn Thời hiện đang học tại trường Trường PTDT bán trú TH -THCS Trà Bùi.
Nghe thầy Kỳ kể về hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ từ nhỏ của em Hồ Văn Thời (thôn Quế, xã Trà Bùi), anh Tân đã lên tận thôn Quế tìm gặp. Anh nói: “Mỗi lần lên là rớt nước mắt, em Thời mồ côi nên sống với cậu, mà nhà cậu thì nuôi 6 người con, cậu còn không có ăn thì lấy đâu đến cháu. Suốt một thời gian dài cứ trăn trở về hoàn cảnh của em ấy”.
Nhờ Tân kêu gọi lòng hảo tâm, suốt mấy năm qua, mỗi tháng, em Thời được hỗ trợ 500.000- 1.000.000 đồng. Lần nào Tân cũng lên tận nơi để gửi tiền, quần áo cũ và vở học cho em. 2 năm gần đây, em Thời đã chuyển về học tại trường PTDT bán trú TH-THCS Trà Bùi, có chỗ sinh hoạt, học tập ổn định, anh mới thôi day dứt.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Bồng Lê Thị Hồng Hải chia sẻ: “Là người thợ cắt tóc rất đỗi bình dị, nhưng anh Tân lại giàu lòng nhân ái, từ tâm. Những việc thiện nguyện của anh Tân và cộng sự thực hiện những năm qua đã giúp đỡ nhiều cho cộng đồng”.
Không nhớ nổi đã đi qua bao nhiêu con đường, leo lên bao nhiêu con dốc hay lặn lội đến bao nhiêu bản làng heo hút, Tân chỉ tâm niệm một điều đơn giản: “Không cần phải là người giàu mới có thể cho đi, dùng tấm lòng của mình để giúp người sẽ là niềm vui lâu dài”.
 Anh Lê Minh Tân.
“Mỗi sớm mai thức dậy, thấy nắng tỏa trong sân, chim hót líu lo trên cành, tôi lại dâng tràn cảm xúc. Cảm ơn đời, cảm ơn cuộc sống kỳ diệu…. Và tôi luôn nghĩ rằng, phải làm cho cuộc sống này đẹp và ý nghĩa hơn”, Tân cười.

Năm 2018, anh Lê Minh Tân và tập thể nhóm thiện nguyện "Nhịp cầu yêu thương" được biểu dương “Những tấm gương bình dị mà cao quý” cấp huyện và cấp tỉnh. Cuối năm 2020, Lê Minh Tân là thanh niên duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần