Ảnh hưởng từ vụ vỡ đập thủy điện tại Lào, Campuchia sơ tán 25.000 dân

Lan Hương (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Tài nguyên Campuchia, sông Se Kong, một nhánh chính thuộc sông Mekong ở tỉnh Stung Treng, Campuchia đã tăng mạnh và đặt mức cảnh báo.

Ước tính khoảng 25.000 người đang được sơ tán khỏi một tỉnh phía bắc Campuchia sau trận lụt lớn do ảnh hưởng từ vụ vỡ đập thủy điện lớn ở Lào.
Người dân Campuchia sử dụng một chiếc phà tạm để vượt sông Se Khong.
Các nhà chức trách ở tỉnh Stung Treng đang cố gắng sơ tán các thị trấn và làng mạc ở hạ nguồn từ con đập, khiến cho mực nước dâng cao trên 12m ở nhiều nơi. Huyện Siem Pang là khu vực bị ngập lụt nhiều nhất, bao gồm 4 xã và 17 làng.
Phát ngôn viên của Bộ Tài nguyên và Khí tượng Campuchia cho biết không có dấu hiệu nào của nước rút xuống vào chiều thứ Năm (26/7)
Vụ vỡ đập thủy điện tại Attapeu, Lào đã khiến ít nhất 26 người chết và 6.000 người khác lâm vào cảnh vô gia cư. Đây được xem là thảm họa tồi tệ nhất mà quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt trong nhiều thập niên, theo Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.
Dự án đâp thủy điện được xây dựng trên một nhánh của sông Mekong, con sông dài nhất Đông Nam Á. Sông Mekong là nguồn tài nguyên quan trọng trong khu vực, cung cấp cá và điện cho những người dân sống dọc theo lưu vực sông. Lũ lụt khu vực bị ảnh hưởng sau vụ vỡ đập thủy điện dự kiến ​​sẽ làm mực nước dâng lên hạ lưu, theo Ủy ban sông Mekong.
 Mực nước dâng lên ở tỉnh Stung Treng, Campuchia.
Xe-Pian Xe-Namnoy là một trong 70 nhà máy thủy điện đang được xây dựng cũng như sắp được khởi công tại Lào. Nước này đã hoàn thành xây dựng 11 con đập. Các tổ chức bảo vệ môi trường nhiều lần cảnh báo về sự rủi ro với con người và hệ sinh thái từ việc phát triển ồ ạt các đập thủy điện.
Báo cáo của Ủy ban sông Mekong (MRC) cho biết, rằng dòng chảy tự nhiên của dòng sông sẽ bị thay đổi đáng kể, ngăn chặn các tuyến di chuyển của các loài cá trong vùng, dẫn đến thiệt hại từ ​​26-42% lượng cá hàng năm.
MRC cũng khuyến cáo, lượng phù sa có thể giảm tới 50%, ảnh hưởng đến vùng hạ lưu trồng lúa gạo của Việt Nam ở đồng bằng song Cửu Long. Ngoài ra, báo cáo cho biết thiệt hại đa dạng sinh học sẽ nguy hiểm đến mức một số loài như cá da trơn Mekong khổng lồ và cá heo Irrawaddy có thể bị tuyệt chủng.