Anh, Malaysia, Australia và Singapore tạm ngừng sử dụng máy bay Boeing 737 MAX

Nguyễn Phương (Theo SCMP, CNA)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều quốc gia và hãng hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương tạm thời đình chỉ việc sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX sau vụ rơi máy bay của hãng Ethiopian Airlines.

Áp lực đang đè nặng lên hãng Boeing của Mỹ khi nhiều hãng hàng không và quốc gia trên thế giới đình chỉ, thậm chí cấm máy bay Boeing 737 MAX ra vào không phận nước mình sau thảm họa hàng không của hãng Ethiopian Airlines hôm 10/3 vừa qua.
 Nhiều nước đã tạm thời đình chỉ sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX.
Ngày 12/3, Anh, Malaysia, Australia và Singapore đã gia nhập danh sách các quốc gia mới nhất cấm sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX hoặc cấm máy bay Boeing 737 MAX ra vào không phận nước mình sau khi xảy ra hai vụ tai nạn thảm khốc liên quan đến loại máy bay này.
Ngày 12/3, Australia đã ban hành lệnh cấm tất cả các máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trên không phận nước này, sau khi một loạt quốc gia cũng đưa ra quyết định tương tự đối với dòng máy bay này do lo ngại về vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopia hồi cuối tuần trước.
Giám đốc điều hành Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Australia (CASA) Shane Carmody cho biết lệnh cấm trên chỉ là tạm thời trong khi cơ quan này chờ đợi thêm thông tin để xem xét về các rủi ro an toàn đối với việc vận hành liên tục dòng máy bay Boeing 737 MAX. Theo CASA, quyết định này có thể gây bất tiện đối với hành khách nhưng tin tưởng rằng điều quan trọng là vấn đề an toàn luôn luôn được đặt lên hàng đầu. 
CASA cho biết, Fiji Airlines là hãng hàng không duy nhất vận hành dòng máy bay Boeing 737 MAX bị ảnh hưởng lệnh cấm của Australia. Trong khi đó, SilkAir có trụ sở tại Singapore và sử dụng loại máy bay này cho các chuyến bay đến Australia, cũng đã tạm thời ngừng vận hành Boeing 737 Max theo lệnh cấm của Singapore. 
Cũng trong ngày 12/3, Cơ quan hàng không dân dụng của Vương quốc Anh cho biết: “Trong trường hợp đang chờ khôi phục dữ liệu của 2 hộp đen của máy bay gặp nạn hôm 10/3, chúng tôi quyết định ngừng sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX như một biện pháp phòng ngừa”.
Ngày 12/3, Malaysia đã cấm khai thác máy bay Boeing 737 MAX trong tất cả các chuyến bay nội địa và đến nước này. Như vậy, Malaysia trở thành quốc gia mới nhất cấm máy bay hiện đại này sau khi máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopian Airlines gặp nạn, khiến 157 người thiệt mạng.
Thông báo của Cơ quan hàng không dân sự Malaysia cho hay quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức, theo đó ngừng khai thác máy bay Boeing 737 MAX trong các chuyến bay đến hoặc bay đi từ Malaysia, và quá cảnh tại nước này cho đến khi có thông báo mới nhất.
Theo  Cơ quan hàng không dân sự Malaysia, không hãng hàng không nào của nước này sử dụng loại máy bay trên. Tuy nhiên, hãng hàng không Malaysia Airlines hãng đầu của nước này đã đặt hàng một số Boeing 737 MAX, do vậy Chính phủ Malaysia đã yêu cầu xem xét lại thương vụ đó. 
Cùng ngày, Oman cũng đưa ra quyết định tương tự. Cơ quan hàng không dân sự của nước này đã tạm thời đình chỉ khai thác máy bay Boeing 737 MAX trong các chuyến bay đi và đến tất cả các sân bay của nước này cho tới khi có thông báo mới. 
Singapore vừa trở thành quốc gia mới nhất cấm bay đối với Boeing 737 MAX sau thảm kịch của hãng hàng không Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng.
Trước đó cùng ngày, Argentina cũng ban hành lệnh cấm tương tự, ngừng vận hành các máy bay Boeing 737 MAX. Hãng hàng không Aerolineas Argentinas tối 11/3 cho biết "an toàn là yếu tố quan trọng nhất" và quyết định ngừng hoạt động 5 máy bay Boeing 737 MAX trong phi đội gồm 82 chiếc, để chờ đợi kết quả điều tra vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia.
Trong quyết định mới nhất, ngày 12/3 Cơ quan Quản lý Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) vừa tuyên bố sẽ tạm thời từ chối tất cả các máy bay thuộc dòng Boeing 737 MAX ra và vào không phận nước này.
Quyết định này sẽ có hiệu lực từ 2h chiều 12/3 (giờ địa phương). Hãng hàng không SilkAir của Singapore hiện vận hành 6 chiếc Boeing 737 Max sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. SilkAir cho biết, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới lịch trình các chuyến bay của hãng.
“CAAS đang theo dõi chặt chẽ tình hình và liên lạc chặt chẽ với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cùng với nhà cung cấp máy bay Boeing. Việc tạm ngừng sẽ được xem xét khi các thông tin về đảm bảo an toàn đối với dòng máy bay này được cung cấp” 
Trước đó, giới chức Singapore cho biết đã liên hệ thường xuyên với hãng hàng không SilkAir về việc vận hành Boeing 737 MAX kể từ năm 2018 và rất hài lòng vì hãng hàng không này "đã thực thi những biện pháp phù hợp, tuân thủ đúng quy định đảm bảo an toàn hàng không”.
Các quyết định mới nhất của Anh, Singapore và Australia rất có ý nghĩa vì lệnh cấm sử dụng máy bay Boeingg 737 Mas cũng sẽ ảnh hưởng đến các hãng hàng không nước ngoài có sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX. Chính phủ Australia cho biết hành động này là vì lợi ích an toàn tốt nhất cho khách hàng.
Trước đó, hôm 11/3, mối quan ngại về sự an toàn của Boeing 737 MAX đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới cấm khai thác dòng máy bay này như Trung Quốc - quốc gia sở hữu nhiều dòng máy bay này nhất, Indonesia, Hàn Quốc...
 Ngày 12/3, Singapore đã quyết định cấm Boeing 737 MAX ra vào không phận sau tai nạn ở Ethiopia cuối tuần trước.
Trong ngày 12/3, các hãng hàng không đưa ra quyết định tương tự gồm Royal Air Maroc, hãng hàng không Comair của Nam Phi, MIAT Mongolian Airlines, Aeroméxico và Brazil’s Gol Airlines.
Ngày 10/3, chiếc Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu chuyến bay ET302 của hãng hàng không Ethiopia Airlines đã rơi xuống đất chỉ vài phút sau khi cất cánh. Toàn bộ 157 người đã thiệt mạng. Hai hộp đen ghi lại hành trình bay và các cuộc đối thoại trong khoang lái đã được tìm thấy. Hiện công tác điều tra nguyên nhân vụ tai nạn đang được khẩn trương tiến hành.
Theo báo cáo mới nhất, các nạn nhân xấu số trên chuyến bay định mệnh này được xác định là công dân của tổng cộng 35 nước, trong đó có Kenya (32 người), Canada (18 người), Ethiopia (9 người), Trung Quốc (8 người), Italia (8 người), Mỹ (8 người), Anh (7 người), Ai Cập (6 người)...
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần