Anh ra khỏi EU: Chặng đường cuối

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU và Chính phủ Anh còn thời gian đúng một tháng để kết thúc thành công quá trình đàm phán về khuôn khổ quan hệ hợp tác sau khi Anh ra khỏi EU (Brexit) và phê chuẩn thỏa thuận đạt được.

 Ảnh minh họa
Để hoàn tất những công việc này trước ngày cuối cùng của năm 2020 như đã thoả thuận, cả hai phía đều phải dồn chân thực sự bởi ba vấn đề vướng mắc còn lại đều thuộc diện khó thỏa hiệp nhất. Những vấn đề ấy là thỏa thuận về cơ chế xử lý xung khắc lợi ích sau Brexit, cam kết của phía Anh đảm bảo cạnh tranh công bằng và lành mạnh cho giới DN EU trên thị trường Anh sau Brexit và vấn đề hạn ngạch đánh bắt hải sản ở vùng biển xung quanh nước Anh sau Brexit.
Trước đấy, vấn đề quy chế đặc biệt cho vùng Bắc Ireland cũng được liệt vào diện khó nhằn nhất trong đàm phán. Nhưng rồi vấn đề này đã được giải quyết ổn thỏa, sự nhượng bộ của phía Anh không phải vì thiện chí dành cho EU mà bởi tác động của kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ. Sự thay đổi tổng thống ở Mỹ làm thay đổi triển vọng về hiệp định thương mại tự do giữa Anh và Mỹ. Quan điểm của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden về sự cần thiết phải duy trì việc thực hiện Thoả thuận hoà bình cho Bắc Ireland sau Brexit giống như quan điểm của EU. Ông Biden đã tuyên bố sẽ không có thoả thuận về thương mại tự do giữa Mỹ và Anh nếu phía Anh không đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của EU trong quá trình đàm phán về Brexit liên quan đến Bắc Ireland.

Chặng đường cuối của quá trình đàm phán giữa EU và Anh tuy không dài nữa nhưng lại có trở ngại lớn vì liên quan đến không chỉ lợi ích kinh tế và thương mại mà còn đến chủ quyền quốc gia, do vậy vô cùng nhạy cảm về đối nội. Hai bên giờ phải chạy đua với thời gian và sẽ còn gò ép nhau đến tận phút cuối. Nhưng điều có thể chắc chắn được là rồi họ sẽ kịp thời thỏa hiệp với nhau để cho không xảy ra kịch bản Brexit mà không với bất kỳ thỏa thuận nào về khuôn khổ quan hệ hợp tác sau Brexit.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần