ANZ: TPP sụp đổ thì thiệt hại duy nhất của Việt Nam là cơ hội

Theo VOV.vn
Chia sẻ Zalo

Chuyên gia của ANZ nhận định, TPP sụp đổ thì thiệt hại duy nhất của Việt Nam là cơ hội, còn về thực chất thì Việt Nam chưa hề mất gì.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2017 và cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn có một lựa chọn thay thế TPP dù không hoàn hảo.
Theo các chuyên gia của ANZ, Việt Nam sẽ không mất mát gì nhiều sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại hội nghị về triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 tổ chức sáng nay (24/2) tại Hà Nội, bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế cuar ANZ khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN nhận định, hiệp định TPP sụp đổ thì thiệt hại duy nhất của Việt Nam là cơ hội, còn về thực chất thì Việt Nam chưa hề mất gì.
 Kinh tế Việt Nam vẫn lạc quan dù không có TPP (Ảnh minh họa: KT)
Bà Eugenia Victorino cũng cho rằng, dù hiệp định TPP có đi vào hiệu lực cũng phải mất 10 năm để Việt Nam bắt đầu có được lợi ích rõ rệt.
Chuyên gia ANZ phân tích: Nhờ việc đa dạng thị trường cũng như mặt hàng xuất khẩu, Việt Nam rất linh động trong việc lựa chọn hiệp định thương mại và hoàn toàn không bị phụ thuộc vào một đối tác xuất khẩu hay một hiệp định cố định nào. Từ một nước chủ yếu xuất khẩu nông sản và hàng dệt may, hiện Việt Nam đã là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng thiết bị điện tử.

Lựa chọn thay thế TPP

Ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu Châu Á của ANZ đánh giá, nếu các nước thành viên của RCEP - một hiệp định thương mại tự do gồm 16 nước bao gồm 10 nước ASEAN và 6 đối tác lớn là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand - đẩy nhanh ký kết, đây sẽ là một sự thay thế tốt, dù chưa phải là hoàn hảo, cho TPP.

"Sẽ rất khó để so sánh RCEP và TPP, tuy nhiên, nếu TPP được 5 điểm thì chúng tôi chấm RCEP 4 điểm", chuyên gia kinh tế này cho hay. Dù tổng GDP thành viên cũng như các tiêu chuẩn không bằng TPP, RCEP lại có lợi thế về khối lượng thương mại và dân số các nước thành viên.

Theo bà Eugenia Victorino, RCEP sẽ mở ra thị trường rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam, điều mà TPP được hứa hẹn sẽ mang đến. Trong khi TPP hướng đưa hàng hóa Việt Nam tới Mỹ, RCEP lại mang đến những lựa chọn mới. Cần lưu ý là xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao việc Việt Nam chủ động tự đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương mà không phụ thuộc nhiều vào khối ASEAN, điển hình như hiệp định EVFTA với Châu Âu. Những hiệp định liên tục được ký kết sẽ giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)./.